|
Các cầu thủ Bóng đá đội ĐTLA luôn giữ vững vị thế của mình tại các giải quốc gia (Ảnh: Hữu Phép) |
Nhận thức tầm quan trọng của công tác TDTT với mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể lực, bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức, ý chí con người Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngay sau khi tiếp thu Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX)” về phát triển TDTT đến năm 2010”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã xây dựng Chương trình hành động số 06-CTr/TU và UBND tỉnh cũng ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện phát triển TDTT tỉnh nhà từ năm 2003 đến năm 2010.
Sau 7 năm thực hiện, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục được phát triển sâu rộng trong các đối tượng; số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng lên rõ rệt, đạt từ 13% năm 2003 đến năm 2009 tăng lên 24, 48%; số hộ Gia đình thể thao tăng từ 12,24 % lên 16,46 %; đã có 504 CLB TDTT một môn và nhiều môn thể thao ở cơ sở xã, phường, thị trấn được thành lập (năm 2003 có 430 CLB).
Các hoạt động TDTT ở cơ sở ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi; đặc biệt, Người cao tuổi luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tập luyện TDTT. Nếu Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ V năm 2006 có 1.598 VĐV của15 đơn vị thi đấu ở 14 môn thể thao thì đến Đại hội TDTT lần thứ VI năm 2010 thu hút 1.995 VĐV của 17 đơn vị đua tài ở 17 môn thể thao. Hệ thống thi đấu TDTT quần chúng đã được ổn định và phân cấp tổ chức cho các địa phương và Liên đoàn, Hội thể thao.
Các giải thể thao ở cơ sở thường được gắn với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của đất nước, địa phương, sở ngành và đã trở thành ngày hội văn hoá - thể thao thu hút đông đảo các đối tượng quần chúng tham gia. Ngoài ra trong từng thời điểm các Sở ngành còn đăng cai các giải, hội thao, hội thi các môn thể thao khu vực và toàn quốc
Trường Thể dục- Thể thao Long An được giao nhiệm vụ đào tạo lực lượng VĐV năng khiếu và trẻ của tỉnh. Mỗi năm, trường tập trung đào tạo trên 150 VĐV ở 8 môn thể thao và đã bổ sung lực lượng trẻ khá tốt cho đội tuyển địa phương; đồng thời, Trường cũng đã phối hợp các huyện, thành phố mở trên 20 lớp thể thao bán tập trung với hơn 300 VĐV tại cơ sở các trường học phổ thông trong tỉnh. Thể thao thành tích cao đóng vai trò quan trọng và không thể tách rời sự phát triển của TDTT quần chúng.
Trong những năm qua thể thao thành tích cao của Long An vẫn giữ được thế mạnh trong toàn quốc, một số môn như: Bóng đá (nam), Bóng chuyền (nam, nữ); có 30 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng, 62 VĐV đạt cấp I, 20 VĐV được tập trung vào các đội trẻ, đội tuyển quốc gia (so với năm 2003 có 11 VĐV kiện tướng, 44 VĐV cấp I)
Tại trung tâm tỉnh, các công trình thể thao hiện có như: Hồ bơi, Nhà thi đấu, sân vận động đã được quản lý tốt và sử dung có hiệu quả, ngoài ra ngành TDTT còn tận dụng tạo doanh thu cho ngân sách mỗi năm gần 01 tỷ đồng. Những con số sau đây cũng nói lên sự phát triển hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi ở cấp cơ sở. Nếu năm 2003 toàn tỉnh có 59 sân Bóng đá đạt chuẩn thi đấu cấp huyện và cấp tỉnh, 32 sân Quần vợt, 01 nhà tập đa năng, thì đến năm 2010 có 146 sân Bóng đá, 50 sân Quần vợt, 05 nhà tập đa năng có mái che…
Những năm qua, trong lĩnh vực xã hội hoá TDTT phát triển khởi sắc; các loại hình tập luyện TDTT từ cơ sở đến huyện, thành phố, các khu công nghiệp, khu dân cư đã có phát triển nhanh chóng và đa dạng; trong đó có rất nhiều CLB các bộ môn: Thể dục thể hình, Thể dục thẩm mỹ, Quần vợt, Cầu lông, Bơi, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn… của các tổ chức, tư nhân được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Trong hoạt động thi đấu thể thao từ cấp cơ sở đến tỉnh và kể cả các đoàn thể thao tham dự các giải toàn quốc cũng có sự đóng góp của các tổ chức, tập thể, tư nhân, các doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Giải Bóng đá, giải Bóng chuyền nông dân tỉnh được sự tài trợ của Công ty phân bón Bình Điền, giải Bóng đá vô địch tỉnh, giải Bóng đá học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã được tài trợ lên đến trên 01 tỷ đồng/ năm kể từ năm 2006 đến nay.
Thể thao thành tích cao Long An cũng đã có bước đột phá vươn lên đáng mừng. Công ty TNHH thể thao Đồng Tâm tiếp tục nhận nuôi dưỡng và tài trợ toàn bộ hoạt động của đội Bóng Gạch ĐTLA, đội Ngói ĐTLA, đội U21 Đồng Tâm với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng/ năm. Đội Bóng chuyền nữ Long An được công ty phân bón Bình Điền nhận nuôi dưỡng trên 02 tỷ đồng/năm. Đội Bóng chuyền nam Long An được công ty TNHH thương mại – xuất khẩu Hoàng Long nhận nuôi dưỡng với chi phí toàn bộ hoạt động trên 1,5 tỷ đồng/ năm.
Đặc biệt, công tác giáo dục thể chất trong các trường học được tỉnh quan tâm chỉ đạo và qua đó đến nay đã có chuyển biến tích cực. Đội ngũ giáo viên TDTT so với năm 2003 đã tăng về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Các hoạt động thi đấu thể thao trong trường học nội khoá, ngoại khóa những năm gần đây đã được phát triển khá tốt. Tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ V tại Huế và lần thứ VI tại Phú Thọ vừa qua, đoàn thể thao học sinh Long An được xếp trong 20 tỉnh, thành có thành tích xuất sắc nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt đượccông tác TDTT Long An vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; cán bộ quản lý, giáo viên TDTT còn thiếu và yếu; cơ chế phát hiện, đào tạo bồi dưỡng tài năng thể thao còn bất cập, hiệu quả thấp; xã hội hoá hoạt động TDTTchưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện của địa phương.
Phước Vẹn