Công tác nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phát triển các lĩnh vực của Bộ VH,TT&DL. Sau 3 năm (2008 – 2011) kể từ khi sáp nhập thành Bộ VH,TT&DL, các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước và đăng ký đưa vào thực hiện 1 đề tài độc lập cấp nhà nước. Bên cạnh đó, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ tiếp tục được triển khai và đưa vào thực hiện với tổng số 97 đề tài (42 đề tài đã nghiệm thu, 27 đề tài quá hạn và 28 đề tài chưa đến hạn).
Riêng ở lĩnh vực TDTT, trong 3 năm qua, có tổng số 15 đề tài được đưa vào thực hiện, đến nay đã nghiệm thu được 2/10 đề tài quá hạn. Hướng nghiên cứu của các đề tài trong lĩnh vực TDTT tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng HLV, tuyển chọn VĐV, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn trong tuyển chọn ban đầu, nghiên cứu phát triển xã hội hoá TDTT, các giải pháp nâng cao thành tích của một số môn thể thao cũng như các đề tài nghiên cứu, đánh giá về vấn đề nhân lực của ngành và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ TDTT.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu về các thực phẩm chức năng, hoạt chất dinh dưỡng từ nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao.
Đây là hướng nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả kinh tế cao, thông qua nghiên cứu này có thể áp dụng sản xuất thử nghiệm, tiến tới sản xuất số lượng lớn nhằm thay thế những loại thực phẩm chức năng đang phải nhập từ nước ngoài về.
Ngoài ra, còn các nghiên cứu về phương pháp kiểm tra doping trong tập luyện và thi đấu thể thao, những nghiên cứu này đã góp phần đưa nền khoa học thể dục thể thao Việt Nam tiến gần với khoa học thể dục thể thao trên thế giới đồng thời mang lại những giá trị, hiệu quả kinh tế lớn cho ngành TDTT.
Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực TDTT còn chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học, quản lý công tác TDTT chứ chưa có nhiều đề tài đóng góp vào lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như phát triển TDTT.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành TDTT cần nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, đặc biệt hướng tới: nghiên cứu về khoa học quản lý, kinh tế thể thao; nghiên cứu lý luận và phương pháp TDTT; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thi đấu thể thao nhằm nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam; Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, sản xuất lớn thực phẩm chức năng, hoạt chất dinh dưỡng, thuốc điều trị chấn thương; nghiên cứu, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nâng cao thể chất, sức khoẻ cho nhân dân; nghiên cứu bảo tồn và phát huy các môn thể thao cổ truyền nhằm nâng cao sức khỏe cho cộng đồng; xây dựng mô hình phát triển phong trào TDTT ở cấp cơ sở.
Kể từ năm 2008 – 2011, ngành TDTT có 15 đề tài, trong đó có những đề tài mang tính thực tiễn cao như: đề tài “nghiên cứu ứng dụng sản phẩm chức năng Bionamine, Phunamia có nguồn gốc từ động vật biển nhằm tăng cường thể lực và hồi phục sức khỏe cho VĐV”; đề tài “Nghiên cứu đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ TDTT miền Trung-Tây Nguyên”; đề tài “Nghiên cứu sản xuất thiết bị đo ứng dụng trong môn nhảy xa phục vụ công tác giảng dạy-huấn luyện VĐV”
|
V.A