Việc thực hiện quy định về chính sách phát triển thể dục, thể thao
Chính sách chung của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao được quy định tại Điều 4 Luật Thể dục, thể thao và Điều 2 Nghị định số 112/2007/NĐ-CP hướng dẫn và quy định chi tiết một số điều của Luật Thể dục, thể thao, bao gồm các nội dung về chi từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho thể dục, thể thao; Chính sách về đất đai dành cho thể dục, thể thao; Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục, thể thao; Chính sách ưu tiên phát triển thể dục, thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc.
Về cơ bản các chính sách này đã được triển khai trong thực tiễn, đơn cử như chính sách đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động thể dục, thể thao tiếp tục được gia tăng, cơ sở vật chất, sân bãi tiếp tục được xây mới, nâng cấp đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Hiện nay, trong cả nước có 572 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia; khoảng 27149 công trình thể thao công cộng phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân; khoảng 60 đến 70% xã, phường, thị trấn đã dành đất cho thể dục thể thao, trong đó có khoảng 30% xã, phường có sân tập, nhà tập. Thể dục thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có bước phát triển. Thể thao dân tộc được quan tâm giữ gìn, bảo tồn. Một số môn thể thao dân tộc như Vovinam, Đá cầu, Võ cổ truyền…bước đầu đã được bảo tồn, phát huy và phổ biến ra nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, có thể thấy Ngân sách nhà nước đầu tư cho TDTT tăng, nhưng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước nói chung còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân hiện nay. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho TDTT đã và đang được thực hiện ở các cấp, các ngành nhưng triển khai thực hiện trong thực tiễn còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc thường bị thay đổi quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng. Chính sách khuyến khích xã hội hoá TDTT còn chưa sát với thực tiễn nên chưa khyến khích thu hút được nhiều các nguồn lực trong xã hội để phát triển TDTT.
Việc thực hiện các quy định về cơ sở thể dục, thể thao
Việc quản lý cơ sở thể thao được quy định tại Chương IV Luật Thể dục, thể thao, từ Điều 54 đến Điều 63. Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động của các loại hình cơ sở thể thao, đặc biệt là việc thành lập mới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực TDTT.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng trên 4000 cơ sở thể thao công lập; trên 10.000 cơ sở thể thao ngoài công lập, trong đó có những cơ sở lớn như Trung tâm thể thao Lan Anh, Trung tâm thể thao Thành Long, các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp…Theo đánh giá chung, các cơ sở thể thao hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả cao, cung cấp dịch vụ hoạt động thể thao đến đông đảo nhân dân, tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn vận động viên, tổ chức các giải thi đấu quốc gia, quốc tế.
Qua theo dõi thực tiễn hoạt động của các cơ sở thể thao cho thấy loại hình hộ kinh doanh thể thao đang phát triển mạnh ở các địa phương, đòi hỏi phải được quản lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, mô hình này Luật chưa quy định cơ chế quản lý, điều kiện hoạt động…gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan quản lý ở cơ sở, cũng như nhu cầu tuân thủ đúng pháp luật của bản thân các hộ kinh doanh.
Việc thực hiện quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao
Các quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao được thể hiện chủ yếu ở Chương VI Luật Thể dục, thể thao, trong đó xác định nguyên tắc hoạt động của các tổ chức này là tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng loại hình tổ chức, từ Uỷ ban Olympic Việt Nam đến các liên đoàn thể thao quốc gia, liên đoàn thể thao cấp tỉnh.
Ngoài ra, trong Chương về thể thao thành tích cao cũng có quy định một số nhiệm vụ quyền hạn của Liên đoàn thể thao quốc gia, như: phê duyệt điều lệ giải thi đấu (Điều 39), công nhận thành tích thi đấu (Điều 41), phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên (Điều 42)…
Thực hiện các quy định của Luật Thể dục, thể thao, thời gian qua hoạt động của các Liên đoàn thể thao đã từng bước ổn định, một số liên đoàn có bước phát triển đáng ghi nhận như Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền…Luật cũng đã tạo cơ sở pháp lý để Liên đoàn trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ như phong cấp vận động viên, công nhận thành tích…Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật vẫn chưa được thực thi nghiêm túc, thậm chí còn chưa được thi hành. Thực tế cho thấy nhiều môn thể thao còn chưa có tổ chức liên đoàn hoặc hiệp hội quốc gia, nhiều liên đoàn thể thao quốc gia chưa đủ năng lực thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật định.
Việc thực hiện các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT
Hợp tác quốc tế về Thể dục, thể thao quy định ở trong Luật Thể dục, thể thao là phù hợp với thực tiễn khi nước ta đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Các quan hệ hợp tác về thể dục thể thao đã góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, củng cố tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè trên thế giới.
Còn tiếp