Khi thực hiện việc xây dựng những sân vận động mới và tân trang lại những sân khác, công tác quy hoạch và xây dựng ngày càng phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc xây dựng xanh. Trong những năm gần đây, nhân viên thể thao trong các lĩnh vực tổ chức khác như tiếp thị bắt đầu nhận thấy những vấn đề chiến lược liên quan đến hoạt động môi trường, như sự tham gia của cộng đồng, tạo doanh thu thông qua tài trợ và tiết kiệm chi phí thông qua nâng cấp các cơ sở tập luyện, thi đấu. Tiết kiệm chi phí đã giúp thúc đẩy những thay đổi trong các hoạt động vận hành cơ sở và tìm ra được những cách làm hay nhất để tiết kiệm năng lượng, sử dụng tài nguyên.
Ví dụ, Sân vận động Olympic ở Luân Đôn được xây dựng chỉ bằng một phần mười tổng số thép được sử dụng để xây dựng sân vận động Tổ chim năm 2008 cho Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh. Triết lý môi trường đang trở thành một sáng kiến hành động và hướng tiếp thị chính của thể thao, mặc dù tài trợ vẫn là một vấn đề thường xuyên phải chú ý trong việc giữ cho cơ sở đạt được cả hai mặt hoạt động và phát triển.
Trên tạp chí Forbes năm 2013, cộng tác viên David Ferris đã đưa ra 4 phương thức chủ yếu mà các cán bộ, nhân viên của tổ chức thể thao có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề môi trường: (1) Phân tích để cắt giảm sử dụng năng lượng và nước kết hợp với các giải pháp phân loại chất thải (2) Hành động trong bối cảnh của đội hoặc địa điểm tập luyện, thi đấu để đạt được lợi ích tối đa về sự thay đổi môi trường (3) Hành động hướng tới lợi nhuận để chứng minh giá trị lâu dài của chiến lược môi trường và gắn kết các vấn đề môi trường với việc lập kế hoạch và các yếu tố quan trọng khác (4) Duy trì nhận thức về những thay đổi công nghệ và các lĩnh vực khác liên quan đến sự thay đổi môi trường.
Dưới đây là một số sân vận động được đánh giá thân thiện với môi trường trên thế giới
Sân vận động Croke Park
Croke Park ở Dublin là sân thể thao lớn nhất ở Ireland, và lớn thứ tư ở Châu Âu, nơi tổ chức các sự kiện từ hòa nhạc tới đá bóng. Năm 2008, sân đã khởi động một chương trình có tên Cúl Green nhằm biến Croke Park thành sân vận động thể thao lớn đầu tiên trên thế giới không phát thải khí nhà kính. Chương trình này khuyến khích người hâm mộ tham gia vào quá trình không phát thải cácbon bằng cách cam kết thông qua website của sân.
Sân vận động Nationals Park
Là sân nhà của đội bóng chày Washington Nationals (thi đấu tại giải MLB), sân vận động mới tinh sáng choang này là niềm tự hào hãnh diện của thủ đô Washington là sân vận động thể thao lớn đầu tiên nhận được chứng chỉ LEED ở nước Mỹ. Nó được đặc trưng bởi hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao và nước chảy chậm, có chương trình xử lý bao bì đồ ăn nhanh bị bỏ lại trong sân, và mái che thân thiện môi trường diện tích 600m2 trên khu vực dành riêng cho vận động viên.
Sân vận động World Games
Sân vận động có hình con rắn này nằm ở thành phố Cao Hùng (Đài Loan), được thiết kế bởi kiến trúc sư danh tiếng Toyo Ito. Đây là một trong những sân vận động đầu tiên trên thế giới hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng từ mặt trời. Các tấm pin mặt trời phủ mặt ngoài của khu tổ hợp đủ để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của sân cũng như một phần được tích trữ và bán trở lại lưới điện.
Sân vận động Stade de Suisse
Sân vận động ở thủ đô Bern, là sân bóng đá lớn thứ hai của Thụy sỹ và là một trong những địa điểm thi đấu giải Euro 2008. Sân được cấp điện hầu như chỉ bằng nguồn năng lượng mặt trời, với tổng sản lượng 1.134.045 KWh mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ của 350 hộ gia đình gồm 4 người.
Sân Philips Arena
Philips Arena ở Atlanta là sân nhà của đội bóng chày Atlanta Hawks (chơi tại giải NBA) và đội khúc côn cầu Atlanta Thrashers (chơi tại giải NHL). Năm 2009, sân vận động này trở thành đấu trường đầu tiên của các giải NBA và NHL đạt chứng chỉ LEED cho cơ sở vật chất hiện tại. Nó trở thành mục tiêu phấn đấu cho các sân vận động khác, và nhiều sân khác đã lên kế hoạch đáp ứng được những yêu cầu để đạt LEED trong vài năm tới./.
Thùy Anh (t/h)