Không ai muốn thua cuộc
Trước ngày Quách Thị Lan tranh tài ở đường chạy 400m vượt rào nữ, những VĐV có cơ hội giành huy chương cao nhất của đoàn thể thao Việt Nam đều đã dừng cuộc chơi. Hoàng Xuân Vinh không thể bảo vệ thành công tấm huy chương vàng anh từng giành được ở Rio 5 năm trước. Hoàng Thị Duyên kết thúc phần thi cử tạ ở vị trí thứ 5, Thạch Kim Tuấn không được xếp hạng.
Ở những môn còn lại như judo, rowing, quyền Anh, bắn cung, bơi, thể dục dụng cụ, cầu lông, các vận động viên Việt Nam đều sớm dừng bước. Trương Thị Kim Tuyền là người gần nhất với một tấm huy chương, nhưng cô không thể thành công ở trận tranh vé vớt giành HCĐ môn taekwondo. Thùy Linh thắng đến 2 trận vòng bảng cầu lông đơn nữ cũng không vượt qua được vòng bảng.
Viễn cảnh về một kỳ Olympic trắng tay hiện ra phía trước, và thế là các VĐV trở thành mục tiêu hứng chịu chỉ trích. Tại sao không thể lặp lại thành tích như trước kia? Tại sao lại không thể giành huy chương? Tại sao lại bắn trượt lúc cần bắn trúng nhất? Tại sao chấn thương vẫn ra sân thi đấu? Tại sao lại luôn gặp tâm lý những thời khắc quyết định?
Hàng loạt câu hỏi tại sao đó nảy ra với tần suất dày đặc, và càng xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội. Những vận động viên, đau đớn thay, lại phải trực tiếp nhìn thấy lời xúc phạm họ nặng nề ngay sau khi thất bại. Người "may mắn" nhất trong chuyện này có lẽ là Hoàng Xuân Vinh. Nhà vô địch Olympic duy nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam không dùng mạng xã hội.
Có rất nhiều lý do khiến VĐV không thi đấu với phong độ tốt nhất. Tuổi tác, thể trạng của bất cứ ai đều khác đi rất nhiều sau 5 năm. Giành huy chương vàng ở Olympic đã khó, bảo vệ nó còn khó hơn nữa khi VĐV vừa trải qua 1 năm tập luyện không như ý muốn vì đại dịch. Thay vì nhận chỉ trích, Hoàng Xuân Vinh xứng đáng nhận lời khen nhờ thi đấu quả cảm đến phát bắn cuối cùng.
Trên thực tế, Hoàng Xuân Vinh thi đấu không hề tệ ở vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Từng có thời điểm anh lọt vào nhóm 10 người dẫn đầu, nhưng vài phát bắn không như ý muốn đã khiến nhà vô địch Olympic Rio tụt lại phía sau. Khoảng cách giữa Hoàng Xuân Vinh với những người lọt vào vòng chung kết chỉ là 5 điểm, cho thấy xạ thủ Việt Nam chỉ thiếu một chút may mắn.
"Tại Olympic, ranh giới giữa người chiến thắng và kẻ thất bại chỉ cách nhau một chút thôi. Đừng nói người thua lười biếng tập luyện hơn người thắng, bởi một VĐV đến được Olympic đã là nỗ lực hơn người rồi. Thành bại chủ yếu năm ở may mắn". Người nói những dòng trên không phải Hoàng Xuân Vinh mà là Mark Spitz, kỷ lục gia người Mỹ từng giành 7 huy chương vàng trong một kỳ Thế vận hội.
Trước khi lập kỳ tích 7 HCV ở Olympic Munich 1972, Spitz cũng từng thất bại như bất cứ ai. Vì thế, cựu VĐV nay đã 71 tuổi nhắn nhủ tới người hâm mộ một thông điệp: Đừng chỉ trích VĐV khi họ thất bại. Hơn ai hết, VĐV luôn là người ghét thua cuộc nhất. Không ai muốn ra sân và phải nhận thất bại cả. Điều đó càng đúng với những người từng giành huy chương vàng Thế vận hội.
Hãy cho phép thất bại
"Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến toàn thể người hâm mộ. Tôi bị mất tinh thần ở lượt bắn thứ tư". Hoàng Xuân Vinh đã nói vậy ngay sau khi biết kết quả ở vòng loại. Thay vì chỉ trích anh và nhiều vận động viên khác không chuẩn bị tâm lý tốt trước khi bước vào Olympic Tokyo, chúng ta hãy thử nhìn vấn đề theo một khía cạnh khác: Liệu các VĐV quốc tế có bị khớp tâm lý hay không?
Hai Son (Theo The thao)