Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến vùng nông thôn tham gia tập luyện. Qua đó, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tiếp tục tăng trưởng, theo số liệu thống kê toàn tỉnh có 27,8% số người tập luyện TDTT thường xuyên (vượt kế hoạch 0,8%) và 23% (đạt 100% kế hoạch) số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Công tác giáo dục thể chất trong học đường được nâng cao chất lượng; số trường đảm bảo giờ thể dục nội khóa đảm bảo 100%, 70% trường thực hiện thể dục ngoại khóa; 100% chiến sĩ công an và chiến sĩ quân đội rèn luyện thân thể theo quy định; 65% CNVC-LĐ tập luyện TDTT. Các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở tổ chức 336 giải thể thao thu hút trên 95.000 lượt VĐV tham gia thi đấu, trong đó có việc tổ chức các giải thể thao trong chương trình Đại hội TDTT lần thứ VI – 2009 ở cấp cơ sở và cấp huyện. Qua đó tạo không khí vui tươi, lành mạnh, thiết thực, bổ ích trước, trong và sau những ngày lễ lớn của dân tộc, lễ hội truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tập huấn các đội tuyển tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao và Trường Năng khiếu thể thao tỉnh luôn được duy trì đều đặn. Năm 2009, 2 đơn vị trên đã tập trung 474 VĐV, trong đó đội tuyển 87 VĐV, đội trẻ 70 VĐV, năng khiếu tập trung 153 VĐV, năng khiếu trọng điểm 105 VĐV và bán tập trung 59 VĐV.
Các đội thể thao cử 815 lượt VĐV, tham dự 96 giải thể thao khu vực, toàn quốc Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế đoạt được 415 huy chương các loại (đạt 158,8% so với kế hoạch đề ra) gồm: 171 HCV, 132 HCB, 112 HCĐ, trong đó có 03 HCV vô địch thề giới, 07HCV Châu Á, 02HCV Đông Nam Á, 25HCV vô địch toàn quốc và 24HCV vô địch trẻ. Xác lập 04 kỷ lục quốc gia, 01 kỷ lục châu Á, 02 kiện tướng quốc tế, 29kiện tướng quốc gia, 55 cấp 1.
Đóng góp vào thành công trên phải kể tới các gương mặt xuất sắc như: Vũ Thị Hương (Điền kinh), Phạm Văn Mách (Thể hình), Huỳnh Thị Thu Hồng (Pencak Silat), Nguyễn Thị Tuyết Mai (Kich – Boxing), Nguyễn Thị Huyền Chân (Vovinam), Phan Thị Thùy Trang (Xe đạp), Võ Thái Nguyên (Bơi)...
|
Xe đạp môn thể thao phát triển mạnh ở An Giang (Ảnh: HS) |
Công tác xã hội hóa cũng đạt được những kết quả nhất định. Tiếp tục vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia công tác tài trợ các hoạt động văn hóa, thể thao với số tiền tài trợ lên đến trên 10 tỷ đồng. Riêng Bộ môn Xe đạp đã vận động tài trợ được 300 triệu đồng để tham dự 03 giải thể thao gồm: giải xe đạp Cúp Truyền hình Bình Dương, Cúp Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và giải xe đạp về Điện Biên. Đặc biệt, giải Xe đạp về nông thôn tranh Cúp Bảo vệ Thực vật An Giang lần thứ XIV – 2009, giải Xe đạp nữ toàn quốc mở rộng tranh Cúp Truyền hình An Giang lần thứ X – 2009, giải Xe đạp ĐBSCL lần thứ 18 – 2009 Cúp Vinaphone được tổ chức với 100% kinh phí của các nhà tài trợ.
Trong năm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thêm được 122 CLB, nâng tổng số hiện có 1.153 CLB TDTT một môn và nhiều môn. Ngoài ra, hiện trong toàn tỉnh cũng duy trì hoạt động tốt 695 nhóm tập và 711 điểm tập. Hiện có 06 tổ chức xã hội nghề nghiệp gồm: Trung tâm Bóng đá An Giang, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Xe đạp – môtô thể thao, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Điền kinh, Liên đoàn Thể dục thể hình – Cử tạ, Liên đoàn Võ Vovinam và Liên đoàn Võ cổ truyền – Pencak Silat – Wushu. Các Liên đoàn, Hiệp hội ngày càng hoạt động có hiệu qủa, tổ chức tốt các giải thể thao vô địch – trẻ đã trở thành hệ thống thi đấu giải thể thao cấp tỉnh hàng năm. Đây cũng là nguồn để tuyển chọn các VĐV có tố chất tốt, có năng khiếu để bổ sung vào đội trẻ, đội tuyển của tỉnh.
Với những kết quả trên có thể khẳng định, công tác TDTT của An Giang đã thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra. Bước sang năm 2010 - năm kết thúc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 – 2010, ngành TDTT An Giang đã đặt ra mục tiêu trọng tâm tiếp tục phát triển lực lượng VĐV tài năng có trình độ cao, tiếp cận trình độ của khu vực; giữ vững và nâng vị thế của thể thao An Giang đối với cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đứng vào Top 10 hạng đầu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI vào năm 2010; đóng góp cho đội tuyển quốc gia nhiều VĐV có tài năng thi đấu đoạt huy chương ở đấu trường quốc tế, Châu Á, Đông Nam Á; thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hoá các hoạt động TDTT, góp phần phát triển phong trào TDTT quần chúng và nâng cao thành tích thể thao; đầu tư các điều kiện đảm bảo cho TDTT phát triển bền vững, gồm: hệ thống đào tạo, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, sân bãi thể thao phục vụ tập luyện và thi đấu.
Hữu Sơn