Người bản địa có, dân miệt vườn lên xem voi có, du khách quốc tế có, rồi còn cả thiếu nữ người Dao đỏ tay cầm chiếc ô, mắt lúng liếng chào khách, tiếng nói cười vang vọng khắp, lều quán mọc lên đủ sắc màu đã làm thị tứ Buôn Đôn như khoác thêm tấm áo mới. Có tới cả trăm phóng viên và hơn chục chiếc camera hoạt động tác nghiệp. Câu chuyện của giới nghề chỉ xoay quanh loài voi, là con vật to lớn nhất và cũng gần gũi nhất với bà con các dân tộc ở Tây Nguyên.
Trong chiều sâu tâm linh của người Việt, có bộ tứ Long-Ly-Quy-Phụng song cũng trong trái tim họ, câu thành ngữ sau đây mới thực sự có trọng lượng: Nhất Điểu, nhì Ngư, tam Xà, tứ Tượng. Đó mới là quyền uy, là sức mạnh thể chất và tinh thần của mỗi một thành viên trong bộ tứ rất "oách" này, trong đó có loài voi.
Điều ấy chắc hẳn không một ai là không biết, đặc biệt là những cống hiến thật đáng quý của con voi đối với cuộc sống và với con người. Cũng trong dân gian, thuần dưỡng voi có thể xem là một nghệ thuật hết sức đặc biệt, rất khó khăn song vô cùng cao quý, vì voi là tài sản có giá trị cao...
Cách đây 19 năm, chào mừng 10 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột lịch sử, tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức một cuộc diễu binh trang trọng. Bên cạnh những đoàn người diễu qua khán đài, người ta không thể quên trong đội hình hôm ấy có 34 chú voi tham dự, cùng đi còn có 4 con voi con, những "chú voi con ở Bản Đôn", còn bé chưa có ngà.
Trên mặt sân vận động Đắc Lắc, các chú voi con thi đấu với 2 nội dung chạy (một vòng sân) và ném gỗ. Lần ấy con voi đầu đàn, nhiều thành tích trong sản xuất, khai hoang xây dựng cánh đồng, là Y Trút, đã giành giải nhất ném gỗ với kỷ lục 3m80 và giải nhì chạy 400m, được đích thân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công ngợi khen khi đi thăm Trường Đảng Tây Nguyên, là nơi tập kết đàn voi Đắc Lắc trước ngày dự Hội Voi.
Cuộc đua voi năm ấy đã mở màn cho cách thừa nhận một động thái mới mẻ nữa để hoàn thiện thêm cho nền tảng của cái gọi là văn hoá Voi. Vâng, đua voi đã được cả xã hội thừa nhận. Con voi tiếp tục có mặt trong nhiều áng văn và nét nhạc, rồi trong những thước phim cháy bỏng tính nhân văn. Và từ đấy, voi Đắc Lắc bắt đầu đi tiếp những chặng đường mới, thật gian nan song rất đáng tự hào.
Ngày vui hôm nay, không một ai biết rằng, Buôn Đôn từ lâu đã là trung tâm buôn bán voi của cả Đông Dương, là nơi đã phát sinh và nâng cấp nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng để biến chúng thành voi nhà hiền hậu, rồi voi cùng sống và cùng tham gia xây dựng cuộc sống mới bên cạnh con người. Lại nữa, từ sau năm 1985, Buôn Đôn được cấp phép để tổ chức các cuộc đua voi hàng năm.
Tuy nhiên, Hội Voi hàng năm tại đây chưa thể hoành tráng được như năm 1985. Trong năm 1994 và 1997, đàn voi nhà Đắc Lắc do Y Trút dẫn đầu đã 2 lần được mời "hạ sơn" để tham gia bắt giữ đàn voi rừng dữ dằn tại khu rừng Tánh Linh và Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi sau đó thuần hoá chúng.
Y Trút, con voi đầu đàn và là biểu tượng của Voi Đắc Lắc cũng được mời đi Bình Định và Hải Phòng để biểu diễn, đó là những màn chào hỏi, nhảy múa theo nhạc và dùng cả cỗ bành làm sân khấu biểu diễn cùng các nghệ sỹ Đoàn ca múa Đắc Lắc...
Hôm nay, Y Trút, con voi đầu đàn của Trại Voi Krông Bông đã 67 tuổi, lại dẫn đầu đoàn voi nhà của huyện về dự Hội. Không chỉ có thế, Hội Voi còn có thêm thành viên của 3 trại voi khác nữa là Lăk, Buôn Đôn và Ea Sup. Từ ngày 5 tháng 11, hơn 30 voi từ 4 trại voi đã tập kết tại các khu vườn xung quanh "trường đua", là khoảng đất rộng ở phía trước Nhà văn hoá cộng đồng huyện Krông Ana, nơi đã dựng lên hai khán đài lớn và những túp lều nhỏ, cũng là nơi sẽ diễn ra các lễ cúng cầu chúc sức khoẻ cho voi, lễ cầu lửa cho cả cộng đồng...
Dự Hội có hầu hết những voi đã từng diễu hành vào 19 năm về trước. Trong 2 chú voi con ở Bản Đôn, voi con Khăm Sin lon ton theo mẹ năm xưa, nay đã là một voi đực lớn với đôi ngà dài, rất khoẻ và còn giành một giải nhì ở nội dung chạy và giải ba ở ném gỗ. Tôi thầm nghĩ nếu nhạc sỹ Phạm Tuyên có mặt và nhìn thấy con voi lớn đang quỳ chào hết sức điệu nghệ, liệu ông có thể nhận ra đó chính là chú voi con bé bỏng năm nào, là đối tương quan sát và là khách thể thẩm mỹ cho bài hát ngộ nghĩnh "Chú voi con ở Bản Đôn" kia? Đó là sự kế thừa thật đẹp của Hội voi.
Đặc biệt hơn nữa, voi rừng hung ác ở Tánh Linh ngày nào cũng bị con người cùng đàn voi Đắc Lắc bắt giữ, thuần hoá, hôm nay mùng 2 tháng 4 voi đã có tên, đã hoàn toàn thuần phục và ngoan ngoãn như voi nhà, lại được dự Hội và còn biểu diễn động tác đá bóng vào khung thành rất điệu nghệ. Đấy là Thoong Khăm (20) và Thoong Ngân (21), nay đã là thành viên của Vườn Quốc Gia Yok Đôn Đắc Lắc.
Buôn Đôn hôm ấy tràn ngập người xem, thị phần của thị tứ bỗng đổi thay hẳn vì voi. Sáng sớm hôm thứ nhất, ly cà phê đen chỉ hai ngàn, buổi trưa đã là năm ngàn. Còn đến hôm sau, chai nước khoáng xinh xinh cũng được bán hơn chục ngàn.
Tôi đọc thấy niềm đam mê của mấy vị khách Đan Mạch, đang thực hiện dự án cấp nước tại Cao Nguyên, lại chia sẻ lời nhận xét của nhiều đồng nghiệp về tính chuyên nghiệp của Hội voi được phản ánh khá đầy đủ tại cuộc thi này. Hàng vạn người xem đã hào hứng với những màn đua tài vừa hùng tráng lại rất ngộ nghĩnh ấy, từ vượt sông với cách rẽ nước tiến lên, kể cả cái cách bỏ cuộc thật hồn nhiên của vài chú voi con, cách úp tai chạy nước rút hay đá bóng và kéo vật nặng.
Điểm ngắm của khán giả là lão tướng Y Trút, dưới sự điều khiển của nài Y Bhem là cháu nội cố nghệ nhân Y Diết, voi Y Trút đã phá kỷ lục 3m80 của mình, tung khúc gỗ nặng đi xa được 5m70. song tân kỷ lục gia là Bắc Măm (27) của trại voi Ea Sup đã lập kỷ lục ném gỗ xa đến 6m70, đoạt giải nhất. Nội dung chạy kéo vật nặng, Y Trút dẫn đầu và hạng nhì là Bắc Khăn của trại voi Ea Sup. Nội dung chạy 100m (thay vì chạy quanh sân như Hội voi năm 1985), voi Khăn (29) của Buôn Đôn đã về đầu tại vòng chung kết, voi mẹ Na Plu (14) của Trại voi Lăk cũng giành giải nhất nội dung vượt sông, về nhì và ba là Y Trăn và Bum Kong của Lăk và Buôn Đôn. Còn tài đá bóng, giải nhất đã được trao cho voi mẹ Bắc Mon (1) của trại Lăk...
Một ngày Hội trong đời sống của con người và trong hành trang của loài voi lại đi qua. Trên cao xanh ngắt thinh không, còn đây, dòng sông Serepok vẫn trôi về xuôi, con sông sẽ đem theo hương vị của Hội voi lớn nhất nước này, đem theo cả khát vọng chế ngự thiên nhiên, và sau nữa là dư âm chiến thắng của cả người và voi.
Với Đắc Lắc, đây là cơ hội đầu tư lớn cho du lịch và cho phát triển cơ sở hạ tầng. Với Tây Nguyên và cả nước, đây là dịp khơi dậy và phát triển một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Cuộc sống hôm nay như giàu có thêm bởi có những ấn tựng đến từ vẻ đẹp và sự kỳ thú của văn hoá Voi.
Theo Tạp chí Thể thao