|
NCS Đặng Hoài An trình bày luận án trước Hội đồng (Ảnh: Y Trang) |
Với độ dày 114 trang gồm phần mở đầu và 03 chương, sử dụng 44 bảng, 27 biểu đồ, hình vẽ minh hoạ cùng 88 tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, luận án của NCS Đặng Hoài Anh được Chủ tịch Hội đồng, GS.TS Dương Nghiệp Chí nhận xét có những ưu điểm nổi bật đó là: đánh giá đúng thực trạng sức bền tốc độ của nam VĐV chạy cự ly ngắn trong giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu sau khi lựa chọn test và xây dựng tiêu chuẩn đánh giá; xây dựng được nội dung huấn luyện sức bền tốc độ cho VĐV chạy cự ly ngắn ở giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu; ứng dụng có hiệu quả những nội dung huấn luyện sức bền sức bền tốc độ trong giai đoạn này.
Theo nhận xét của GS.TS Lưu Quang Hiệp (phản biện 1), bản luận án có nhiều điểm mới, nổi bật là: lần đầu tiên tổng hợp được một cách tương đối có hệ thống, đầy đủ cơ sở lý luận về thể thao chạy ngắn và sức bền tốc độ chuyên môn và ảnh hưởng của các phương pháp và phương tiện huấn luyện sức bền chuyên môn đối với cơ thể của VĐV. Đặc biệt đề tài chú trọng về các chỉ tiêu đánh giá và thực trạng phương pháp huấn luyện phát triển sức bền chung của thế giới và Việt Nam; Đề tài đã xác định được hệ thống gồm 7 chỉ tiêu đánh giá sức bền tốc độ cho nam VĐV chạy ngắn ở giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu; Tiến hành khảo sát 3/7 test kiểm tra bằng thiết bị chẩn đoán chức năng y sinh bằng hệ thống Cosmed K4b2 để chứng minh độ thông báo của các test đã lựa chọn. Đó là cách làm tốt, nâng cao được độ tin cậy của đề tài đáng ghi nhận; Xác định hệ thống 19 bài tập sức bền tốc độ thuộc 3 nhóm nhằm phát triển sức bền tốc độ có thể sử dụng cho VĐV chạy ngắn giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu Việt Nam..
|
Cùng chung vui với NCS Đặng Hoài An (Ảnh: Y Trang) |
Theo TS Nguyễn Tấn Dũng (phản biện 2), bên cạnh tính cấp thiết, thời sự, ý nghĩa khoa học và thực tiễn, nội dung và tên của luận án chưa thực sự logic khi đề tài có tên gọi là "Nghiên cứu phát triển sức bền cho nam vận động viên chạy ngắn giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu" nhưng tất các mục đích nghiên cứu xây dựng nội dung huấn luyện cho nam VĐV chạy ngắn (cự ly 100m, 200m) lứa tuổi 13, 15 ở giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu để đưa vào ứng dụng nhằm phát triển sức bền tốc độ và đánh giá hiệu quả thử nghiệm. Trong khi hai phạm trù sức bền và sức bền tốc độ là không giống nhau.
Mặc dù còn những hạn chế như bàn luận còn yếu và một số thiếu sót nhỏ nhưng có thể chỉnh sửa, không ảnh hưởng tới giá trị của luận án, luận án của NCS Đặng Hoài An được hội đồng thông qua được bảo vệ ở cấp Viện. Hội đồng cũng gợi ý giáo viên hướng dẫn và NCS về việc sửa đổi tên đề tài so với ban đầu cho thực sự phù hợp với nội dung nghiên cứu "Nghiên cứu phát triển sức bền tốc độ cho nam vận động viên chạy ngắn (100m - 200m) giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu"
A.T