Quần vợt là môn thể thao được phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các nước trên thế giới, trong có đó Việt Nam, đây cũng là môn thể thao nằm trong các môn thi đấu ở các kỳ TVH Olympic. Nét nổi bật của Quần vợt hiện nay là tính linh hoạt và tốc độ, việc phát triển các tổ chất chuyên môn đặc thù như: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, khéo léo,... trong đó lực và tốc độ là yếu tố có ý nghĩa quan trọng tới thành tích thi đấu của VĐV.
Là người trực tiếp giảng dạy môn Quần vợt tại trường Đại học TDTT Bắc Ninh, đồng thời tham gia vào công tác huấn luyện VĐV Quần vợt, NCS Ngô Hải Hưng đã lựa chọn đề tài: Nghiên cứu bài tập phát triển thể lực và tốc độ đánh bóng ở một số kỹ thuật cơ bản cho nam VĐV Quần vợt trẻ lứa tuổi 14 - 16 làm luận án tiến sĩ khoa học.
|
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ do GS.TS.Lê Quý Phượng làm
Chủ tịch Hội đồng (Ảnh: V.A) |
Sau 3 năm tiến hành Luận án (11/2008- 6/2011), dưới sự hướng dẫn của 2 nhà khoa học: GS.TS.Nguyễn Đại Dương và GS.TS.Lưu Quang Hiệp, chiều 21/9, NCS Ngô Hải Hưng đã tiến hành bảo vệ Luận án tiến sĩ khoa học tại Viện khoa học TDTT. Hội đồng chấm Luận án do GS.TS. Lê Quý Phượng làm Chủ tịch Hội đồng.
Với cấu trúc khá đồ sộ dày 166 trang, gồm 4 chương, với 32 bảng, 3 sơ đồ, 7 biểu đồ sử dụng 102 tài liệu tham khảo, Luận án là một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị khoa học và tính thực tiễn cao với nhiều thông tin quan trọng, rất cần thiết cho việc phát triển môn Quần vợt.
Luận án đã sử dụng 7 phương pháp nghiên cứu trong đó có phương pháp quan trắc video graphic (phân tích 3D, đo gia tốc bằng máy bắn bóng). Đây là phương pháp nghiên cứu khoa học mới. Kết quả của Luận án đã xác định được 4 kỹ thuật cơ bản thường được sử dụng trong tập luyện và thi đấu Quần vợt, gồm: kỹ thuật giao bóng, kỹ thuật đánh bóng xoáy lên thuận tay, kỹ thuật đánh bóng xoáy lên tay trái và kỹ thuật đập bóng. Ngoài ra, tác giả còn tiến hành phân tích đặc tính sinh cơ của các kỹ thuật.
|
NCS Ngô Hải Hưng bảo vệ tóm tắt luận án trước Hội đồng (Ảnh: V.A) |
Luận án cũng xác định được các phương pháp đo lực và tốc độ đánh bóng trong Quần vợt gồm phương pháp đo trực tiếp và gián tiếp và lựa chọn được 102 bài tập phát triển lực và tốc độ đánh bóng cho đối tượng nghiên cứu thuộc 03 nhóm: bài tập phát triển thể lực và tốc độ chung, bài tập phát triển lực và tốc độ chuyên môn và bài tập thi đấu. Kết quả đã cho thấy các bài tập mà luận án lựa chọn đã có hiệu quả cao hơn hẳn trong việc phát triển lực và tốc độ đánh bóng cho nam VĐV Quần vợt lứa tuổi 14 - 16.
Luận án đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao về tính thực tiễn, giá trị hàm lượng khoa học cũng như phương pháp nghiên cứu khoa học từ 3 phản biện là: GS.TS.Nguyễn Xuân Sinh, TS.Nguyễn Thế Truyền, PGS.TS.Nguyễn Kim Xuân cùng các nhà khoa học tham gia Hội đồng. Tuy nhiên, luận án vẫn cần phải chỉnh sửa về lỗi chính tả, phần kết luận cần bổ sung thêm thông tin, đồng thời một số thông tin trong bảng biểu cần chỉnh sửa cho hợp lý.
Với những ưu điểm trên, đề tài đã hội đủ yêu cầu của một luận án tiến sĩ và đề tài đã được các thành viên trong Hội đồng chấm luận án nhất trí thông qua.
V.A