Chương trình hoạt động TDTT ngoại khoá của Sinh viên từ lâu đã được Bộ GD&ĐT ban hành theo chương trình chung của môn học giáo dục thể chất. Tuy nhiên, công tác này chưa được các trường ĐH ở Tp.HCM thực hiện nghiêm túc, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo chung cũng như thể chất của Sinh viên khi ra trường.
Chính vì vậy, để hoạt động TDTT ngoại khoá được tổ chức có hiệu quả thì vấn đề quan trọng đặc biệt cần quan tâm, đó là phải có nội dung và hình thức phù hợp nhằm lôi cuốn được đông đảo Sinh viên tham gia. Đây cũng là lý do để NCS Nguyễn Đức Thành chọn Đề tài "Xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá của sinh viên ở một số trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh" làm Đề tài nghiên cứu của mình.
|
NCS Nguyễn Đức Thành báo cáo Luận án Tiến sĩ (Ảnh: Y Trang) |
Với mục tiêu nghiên cứu lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức hoạt động TDTT ngoại khoá của Sinh viên; đánh giá hiệu quả các nội dung và hình thức tổ chức đã lựa chọn trong thực tiễn tập luyện TDTT ngoại khoá, Đề tài này đã nhận được sự đánh gia cao của Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ cũng như các đại biểu tham dự buổi bảo vệ về tính thực tiễn và khoa học.
Cấu trúc của Luận án với 156 trang với 60 bảng, 32 biểu đồ, 4 sơ đồ được trình bày, rõ ràng, mạch lạc thể hiện được sự đầu tư cao của NCS. Với gần 2 năm nghiên cứu, NCS Nguyễn Đức Thành đã lựa chọn được nội dung tập luyện TDTT ngoại khoá (gồm 5 môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Cầu lông và Võ thuật) cũng như các hình thức tập luyện (3 hình thức: CLB, nhóm - lớp và đội tuyển).
Các nội dung và hình thức tổ chức hoạt động TDTT ngoại khoá đã được đưa vào thực nghiệm với 185 sinh viên (110 nam, 75 nữ) của Trường đại học Tôn Đức Thắng trong 1 năm học và kết quả thu được tốt, cụ thể có tác động tích cực đến thể chất và tinh thần của sinh viên.
|
Toàn cảnh buổi bảo vệ (Ảnh: Y Trang) |
Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà khoa học tại buổi bảo vệ, Đề tài này vẫn còn một số hạn chế cần phải chỉnh sửa như: chưa giải thích cặn kẽ về các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu; chưa nêu rõ về cách thức nội dung và hình thức tập luyện; chưa làm rõ được tính cấp thiết của thể thao ngoại khoá; một số bảng biểu còn chưa rõ ràng; kết quả nghiên cứu còn chung chung.
Thay mặt Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ, GS.TS Lê Quý Phượng đã công bố biên bản, Nghị quyết của Hội đồng. Theo đó, 7 thành viên của Hội đồng, gồm: GS.TS Lê Quý Phượng - Chủ tịch Hội đồng; GS.TS Nguyễn Xuân Sinh - phản biện 1; PGS.TS Vũ Chung Thuỷ - phản biện 2; TS Trương Anh Tuấn - phản biện 3; TS Vũ Thái Hồng - Uỷ viên, Thư ký; PGS.TS Lương Kim Chung - Uỷ viên và TS Ngũ Duy Anh - Uỷ viên đều nhất trí thông qua Đề tài và công nhận học hàm Tiến sĩ cho NCS Nguyễn Đức Thành.
V.A