Nguyễn Thị Thu Nhi lớn lên trong sự bao bọc, thương yêu của bà ngoại cùng các cậu, dì. Tuổi thơ gian khó đã hun đúc cho cô ý chí mạnh mẽ, tinh thần thép để làm nên vinh quang cho boxing Việt Nam.
"Tôi run lên bần bật khi thấy cháu bị chảy máu"
Trong căn nhà nhỏ, cũ kỹ, nhuốm màu thời gian trên đường Trần Quý, Quận 11, TPHCM, những người họ hàng của Nguyễn Thị Thu Nhi vẫn còn xúc động khi nhắc lại trận đấu tranh đai vô địch WBO hạng minimum chiều 23.10. "Tôi xem cháu nó đánh mà run tay, run chân, đốt thuốc còn không nổi. Tới hiệp gần cuối, khi thấy cháu chảy máu, tôi cầm điếu thuốc để hút mà còn không bật được lửa", ông Trần Văn Thanh – cậu của Thu Nhi cho biết.
Ông Thanh ngụ ở Bình Tân, thường ngày chạy xe ôm. Nhưng do dịch COVID-19, ông không dám chở khách, chỉ nhận chở hàng cho các mối quen để kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Nguyễn Thị Thu Nhi, cô cháu gái tài năng mang đến cho ông cũng như đại gia đình rất nhiều niềm vui giữa bộn bề của việc mưu sinh.
"Tôi mừng cho cháu nó lắm. Cả nhà tôi đều hẹn nhau để xem trận vừa rồi. Nhưng tôi xem chỉ 1,2 hiệp rồi thấy sợ quá khi thấy cháu nó bị đánh dữ quá. Mãi về sau, tôi mới dám hỏi mấy đứa nhỏ về kết quả trận đấu", bà Trần Thị Nguyệt Yến – dì của Thu Nhi chia sẻ.
Nguyễn Thị Thu Nhi, sinh ra tại Tri Tôn, An Giang. Tuy nhiên khi mới 2 tuổi, ba mẹ của cô chia tay. Vì thế, hai mẹ của nữ võ sĩ này phải chuyển lên nhà ngoại để nương náu. Căn nhà chỉ rộng gần 40m2 này cũ kỹ, ọp ẹt, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng luôn tràn đầy tình thương yêu, bao bọc.
"Gia đình chúng tôi đông anh chị em, mẹ của Thu Nhi là út, nên trong họ hàng cháu nó nhỏ nhất. Thu Nhi cũng là đứa cháu được bà ngoại thương nhất, vì hoàn cảnh cũng đặc biệt hơn. Năm 2014 trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà đã chờ cho bằng được cháu nó về rồi mới yên lòng ra đi", ông Thanh bồi hồi nhớ lại.
Ông Thanh nhấn mạnh, căn nhà nhỏ này là nhà tổ mà ba mẹ để lại. Trong gia đình, ai có điều kiện thì ra ở riêng, còn ai khó khăn cứ về đây nương náu. Thu Nhi lớn lên cùng với các anh, chị em của cậu, dì. Do kinh tế khó khăn, nữ võ sĩ sinh năm 1996 từng cùng một người anh trong họ đi bán vé số, sau đó phụ việc quán ăn. Những lúc rảnh rỗi, cô còn phụ bà ngoại, các dì bán hàng trong chợ.
Ít người biết rằng cách đây vài tháng Thu Nhi đã chịu nỗi đau lớn khi cậu 4 – người rất thích võ thuật và không bỏ sót trận đấu nào của cô cháu gái đã qua đời vì COVID-19. Điều đó đã không làm nữ võ sĩ này chùn bước. Cô đã vượt qua mọi trở ngại để đánh bại Etsuko Tada, để làm rạng danh cho boxing Việt Nam, trở thành niềm tự hào của gia đình.
Mong Thu Nhi tự lo được bản thân
Chiến thắng trước Etsuko Tada giúp Thu Nhi sở hữu đai vô địch WBO, có tiền thưởng cũng như đứng trước nhiều cơ hội khác trong tương lai. Nhưng với đại gia đình của nữ võ sĩ này, họ chỉ mong cô tự lo được cho bản thân, tiếp tục vững bước với lựa chọn của mình.
"Thấy cháu nó mần ăn được, có tiền lương hàng tháng, đánh giải có tiền, tôi mừng lắm. Thu Nhi hoàn cảnh, không cho cha bao bọc, lo lắng từ bé, mẹ của cháu cũng có cuộc sống riêng nên giờ mọi thứ cháu nó phải tự lo thôi", bà Yến giãi bày.
Kể từ khi tập luyện boxing tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Minh Hoàng năm lớp 8, Thu Nhi đã kiên trì, nỗ lực để vượt qua muôn vàn gian khó, nhọc nhằn để có được vinh quang như hôm nay. Anh Trần Thế Trung, anh họ của Thu Nhi cho biết: "Đại gia đình nhà tôi nhiều người mê thể thao, nhưng không phải ai cũng đủ sự kiên trì, chịu đựng gian khó để theo chuyên nghiệp. Bản thân tôi cũng từng tập boxing nghiệp dư ở bên quận 4, chỉ tập 1 tuần thôi mà tay đã sưng tấy vì sai kỹ thuật. Điều đó cho thấy, để có được thành công như hôm nay, Nhi đã phải đánh đổi như thế nào".
Từ vài năm nay, Thu Nhi không còn về thăm nhà thường xuyên như trước vì võ sĩ chuyên nghiệp bị ràng buộc nhiều thứ. Tuy nhiên, cô vẫn rất thích được tụ tập với những anh, chị em trong họ mỗi khi có thời gian: "Thu Nhi hiền lành, sống cũng đơn giản lắm. Mỗi lần gặp nhau, anh em chúng tôi hay tụ nhau ăn uống, đặc biệt Thu Nhi rất thích đánh billard lỗ", anh Đạt cho biết.
NGUYỄN ĐĂNG - THANH VŨ