Hơn một năm trước, khi trở lại thể thao đỉnh cao sau một quãng thời gian nghỉ thi đấu đầy khó khăn, đã có lúc Ngân Thương toan dừng lại, chuyển sang công tác huấn luyện. Nhưng vì đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia cần đến cô ở đấu trường Sea Games 26 nên “Búp bê” đã nhận lời, coi đó là trách nhiệm của mình dù biết rằng, sự tái xuất này đòi hỏi một nghị lực phi thường. Và cũng như thử thách nghị lực ấy, gần Sea Games 26 thì Ngân Thương không may bị lật cổ chân trong khi tập luyện. Lúc đó, cô đã tính đến phương án chỉ tham dự 2 nội dung đơn là nhảy ngựa và xà lệch. Nhưng khi các huấn luyện viên động viên Ngân Thương thi đấu nội dung toàn năng (nhảy ngựa, xà lệch, cầu thăng bằng, thể dục tự do) thì cô thầm tự nhủ “đành phải cố lên thôi”.
Vậy là trong suốt thời gian diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á, Ngân Thương vừa phải tiêm thuốc giảm đau vừa phải thi đấu trong tình cảnh cái cổ chân trái cuốn băng kín mít. Những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng khi cô gái dũng cảm này giành được tấm Huy chương bạc quý giá ở nội dung có tới 14 vận động viên so tài. Rồi tiếp đó, màn trình diễn ấn tượng ở môn xà lệch và cầu thăng bằng đã giúp Ngân Thương đoạt thêm 2 tấm Huy chương vàng quý giá. "Lúc ấy, thực sự em rất run vì vừa thi xong môn nhảy ngựa không được tốt cho lắm. Em thấy vui vì đóng góp công sức cho Thể thao Việt Nam. Em luôn luôn cố gắng để đạt thành tích cao nhất” - Thương nhớ lại.
Niềm vui chiến thắng của Ngân Thương đã lan tỏa tới cả đoàn thể dục dụng cụ Việt Nam. Lúc đó, khó ai dám nghĩ rằng nữ vận động viên đang “dính” chấn thương ấy lại làm nên một kỳ tích khó tin đến thế. Huấn luyện viên Đỗ Thùy Giang, người gắn bó với Ngân Thương từ tấm bé đã thốt lên: "Thành công đó là ngoài tưởng tượng của chúng tôi. Ngân Thương đã vượt qua chính mình để hoàn thành nhiệm vụ".
Vượt qua khó khăn sau thời gian dài nghỉ thi đấu rồi vượt qua chấn thương để đoạt 2 Huy chương vàng, 1 huy chương bạc Sea Games, nhưng dường như nghị lực của “Búp bê” dũng cảm là không giới hạn. Ngay khi trở về từ Sea Games 26, Ngân Thương đã quyết định tháo bột, cùng đồng đội là Phước Hưng lao vào tập luyện để hướng tới cái đích: Olympic London 2012. Bởi để được có mặt ở giải đấu lớn nhất hành tinh này, các vận động viên đến từ 30 quốc gia phải tham dự cuộc so tài khốc liệt để chọn ra 34 suất nữ và 27 suất nam. Thành công của đồng đội Hà Thanh trong cuộc đua giành vé đến nước Anh vào năm 2012 càng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho “Búp bê”.
Niềm khao khát được có mặt tại Thế Vận hội cháy bỏng trong Ngân Thương. Nhớ lại thời điểm này, Trưởng bộ môn thể dục, Tổng Cục Thể dục thể thao, bà Nguyễn Kim Lan cùng HLV Đỗ Thùy Giang đều cho biết, họ đã phải rất thận trọng xác định, cơ hội sẽ phải do Ngân Thương biết nắm lấy dù rất khó khăn. Và những ngày đó, họ để Ngân Thương tập luyện nốt những giáo án cuối cùng tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội dưới sự chỉ đạo của HLV Thùy Giang, thầy Nguyễn Tuấn Hiền và chuyên gia người Trung Quốc. “Ngay khi biết Ngân Thương gặp chuyện, chúng tôi mới chỉ cho em tập bài theo độ khó vừa phải vì chưa nên mạo hiểm với chấn thương cổ chân, nhưng em đều không nề hà mà bỏ qua đau nhức hoàn thiện kỹ thuật”- HLV Đỗ Thùy Giang nhớ lại.
Nhưng ở lần thi đấu này, “rào cản” lớn nhất của “Búp bê” là chấn thương đã khiến cô không đạt được phong độ cao nhất để có được những màn trình diễn xuất sắc, dù cô gái vàng dũng cảm đã bung sức thể hiện ở 4 bài thi: xà lệch, nhảy ngựa, cầu thăng bằng, tự do, nhưng chỉ giành được 41,466 điểm, xếp thứ 72/96 vận động viên. Kết quả đó dù chưa làm Ngân Thương hài lòng, song cô gái dũng cảm này cũng có thể không lấy đó làm thất vọng, bởi cô đã nỗ lực “cháy” đến tận cùng./.
Tổng hợp