|
Một góc Tử Cấm Thành |
Sự lựa chọn của bạn tôi
… Trong khi mọi người cười đùa, trêu trọc nhau, tôi và Xuon Yi tới bên cửa sổ trò chuyện, sao thấy giống như những chiều đông cách đây nhiều năm, chúng tôi vẫn thường ngồi với nhau sau mỗi buổi tập. Trời Bắc Kinh hanh hao, cái lạnh vì thế cũng thật đặc biệt, nó không tới mức tê tái như mùa đông ở Việt Nam nhưng những cơn gió vần vũ, tưởng như có thể bẻ gãy những ngọn, cành đã nghiêng mình trút lá, thì thật đáng sợ. Xuon Yi ngồi như tạc, lặng yên mắt nhìn vào đâu đó. Trong lớp mọi người đều thắc mắc, vì sao một tiền đạo trẻ, rất có triển vọng của CLB Sandong Luneng lại bỏ ngang con đường tập luyện, làm cầu thủ, được mến mộ với mức lương thưởng hàng năm lên tới cả chục vạn đồng để mà đi học. Những ai đã qua cuộc đời VĐV chắc đều hiểu, nếu không vì chấn thương nặng hay một lý do bất khả kháng thì việc đưa ra quyết định như bạn tôi quả là khó khăn lắm. Dẫu vẫn biết, cái nghiệp thể thao, vốn nhọc nhằn, gian khó, nào có bao nhiêu đâu những người ghi khắc được dấu ấn của mình lên đỉnh vinh quang song đa phần khi đã bước vào là hy sinh, miết mải, nhiều khi chỉ để thỏa niềm đam mê của mình, tưởng như không thể nào dứt bỏ.
Xuon Yi - bạn tôi, là một trong những “đứa con của Cách mạng” cách nói đùa của người dân Trung Quốc chỉ những đứa trẻ ra đời từ những cuộc tình dang dở, khi người cha hoặc mẹ từ thành phố về nông thôn lao động trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ở đó, những thanh niên trí thức bước ra từ đô thị, đang buồn rầu, tuyệt vọng và cả chán nản rất dễ tìm thấy sự ngưỡng mộ, cảm thông từ các cô, cậu thanh niên vốn cả đời chỉ biết đến xóm làng, ruộng đồng bé nhỏ, heo hút của mình. Và thế là những đứa trẻ như bạn tôi cứ thế ra đời, rồi cầm chắc một tương lai bấp bênh, nhiều tủi cực khi cha hoặc mẹ một ngày kia bỗng nhiên "mất hút" sau khi trở về thành phố. Xuon Yi không biết mặt cha, chỉ nghe mẹ kể, ông làm nghề y, hồi ấy sau mỗi buổi làm đồng về, thường hay đá bóng ở khoảnh sân trước nhà Chủ nhiệm thôn…
Đầu năm 1998, đội Olympic Trung Quốc được thành lập để chuẩn bị tham dự ASIAD tổ chức ở Băng Cốc, Xuon Yi lần đầu tiên có tên trong danh sách dự tuyển, lúc đó Xuon Yi vừa bước qua tuổi 20. Những tưởng niềm vui tột cùng ấy sẽ là sự đền bù xứng đáng của số phận dành cho bạn tôi nhưng không ngờ, vào giờ chót, cậu đã không thể có được hạnh phúc lớn lao nhất của một người VĐV, đó là khoác lên mình màu áo đội tuyển Quốc gia. Mẹ Xuon Yi bị phát hiện mắc chứng ung thư máu, phải vào viện điều trị dài hạn, họ hàng chẳng có một ai (bởi 2 mẹ con đã phải dọn về Tế Nam – Sơn Đông vì không thể chịu nổi điều tiếng ở quê). Bỏ lỡ đi cuộc đấu trên đất Thái, bạn tôi cũng chính thức chia tay niềm đam mê lớn nhất của đời mình là trái bóng. Chỉ nửa năm sau mẹ Xuon Yi mất, qua lời khuyên của Li Xiao Peng - tiền vệ nổi tiếng của Sandong Luneng và đội tuyển Trung Quốc, Xuon Yi đã thi và đỗ vào Học viện TDTT Bắc kinh.
Bên ngoài cửa sổ là dòng người ngược xuôi, hối hả, mọi người vội vàng chắc để về cho kịp theo dõi trận đấu chiều nay, giữa đội tuyển Bóng rổ Trung Quốc và đội Tây Ban Nha. Đây là trận đấu rất quan trọng, bởi trong trận đầu ra quân, đội chủ nhà đã để thua đội Mỹ. Trước trận đấu, rất nhiều Nhà tài trợ đã ra mức thưởng “trên trời” cho 1 chiến thắng, báo chí ra ngày hôm nay cũng tràn ngập những lời chúc, sự tin tưởng Yao Ming (cầu thủ đang chơi cho CLB Bóng rổ Nhà nghề Mỹ) và đồng đội sẽ giành chiến thắng. Dù rất khó khăn nhưng chắc chắn, các VĐV đội Bóng rổ Trung Quốc sẽ không đơn độc trong trận chiến quan trọng này…
Tôi khoác tay lên vai bạn mình, định nói một câu gì đó nhưng lại thôi. Thời gian cứ mải miết trôi, vết thương xưa đã lành chưa hả Xuon Yi? Chứng kiến một Olympic sôi động trên đất nước mình, tôi hiểu cảm giác sẻ chia của bạn với các đồng nghiệp đang cố gắng để có được từng chiến thắng, từng tấm huy chương trên sân đấu để mang vinh quang về cho Tổ Quốc, cũng là cách để đền đáp sự hy sinh, cố gắng, sau bao tháng ngày tập luyện vất vả, gian nan. Thầm mong cho bạn sẽ có nối tiếp những niềm vui, trong cuộc sống bên ngoài sân bóng. Còn riêng trong tôi, từ lâu bạn đã là người chiến thắng!
Chu Hưng