Nghề nghiệp sau khi giã từ thi đấu thể thao thành tích cao luôn là vấn đề trăn trở của hầu hết các VĐV cũng như của những người làm công tác quản lý trong ngành TDTT. Sau một quá trình cống hiến tuổi xuân cho đất nước, không ít những VĐV gặp thuận lợi, tìm được nghề nghiệp đúng với khả năng của mình, tiếp tục cống hiến sức lực, tâm huyết cho ngành TDTT nước nhà. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều VĐV gặp không ít khó khăn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Mặc dù ngành TDTT đã có những ưu đãi cho VĐV có công với đất nước và cũng đang nỗ lực tìm những giải pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của VĐV để họ phát huy và tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho ngành TDTT thì sự sáng tạo, nỗ lực của mỗi VĐV là điều hết sức cần thiết.
Gần đây, nhiều VĐV cũng đã tự hoạch định tương lai cho mình, tận dụng những gì mình có được qua quá trình gắn bó với Thể thao như: chị em Mỹ Đức - Ngọc Oanh mở cơ sở dạy võ Wushu sau khi giã từ sàn đấu, VĐV Phạm Văn Mách mở phòng tập Thể hình và Fitness, vừa tập luyện để cống hiến cho đất nước, vừa chuẩn bị vững chắc cho cuộc sống sau này. Tất cả những điều đó đều là cách làm hay, rất cần được học tập và nhân rộng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, đây không phải là những trường hợp đầu tiên của các VĐV thể thao Việt Nam. Trước đó, người hậm mộ thể thao đã biết đến việc các lực sỹ Lý Đức, Giáp Trí Dũng… đứng lớp tại các Trung tâm Thể hình, song đều không kéo dài hoạt động này được do nhiều nguyên nhân. Ngay cả đối với Phạm Văn Mách, trước khi có được thành công này, anh cũng đã gặp thất bại trong việc mở cơ sở tập luyện tại Quận 5 – Tp Hồ Chí Minh. Nhìn lại những gì mà Phạm Văn Mách có được như ngày hôm nay (hơn 200 học viên đang tập luyện tại cơ sở của Phạm Văn Mách), một phần là do Phạm Văn Mách được hỗ trợ từ phía Trung tâm TDTT Quận 1 – Tp Hồ Chí Minh về địa điểm, uy tín, cơ sở pháp lý…
Có lẽ, đến giờ phút này, chưa đơn vị nào trong ngành TDTT có chức năng hỗ trợ, tư vấn, định hướng hay đào tạo cho các VĐV của mình tạo dựng nghề nghiệp sau khi không còn cống hiến cho thể thao thành tích cao. Đây là điều mà các cấp ban, ngành có liên quan cần thiết suy nghĩ.
Mới đây, trong phương hướng phát triển của mình, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội có kế hoạch mở Trung tâm đào tạo nghề cho các VĐV. Dự kiến, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề cùng tổ chức đào tạo cho các VĐV đang tập luyện tại Trung tâm. Ngoài thời gian tập luyện, các VĐV có thể dành thời gian để theo học các khoá đào tạo nghề do chính Trung tâm tổ chức để sau này, khi không còn là VĐV, các VĐV đã có được một nghề nào đó phù hợp với mình, làm hành trang trong cuộc sống.
Thiết nghĩ, đó là một hoạt động vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với VĐV mà còn đối với ngành TDTT trong việc giải quyết vấn đề “đầu ra” cho các VĐV đã có nhiều cống hiến cho ngành.
HX