|
Ông Phạm Thanh Cẩm - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Ban TGTW (Ảnh:TC ) |
Ông có thể cho biết những nét khái quát về kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TD,TT đến năm 2020?
Sau 2 năm triển khai thực hiện NQ 08-NQ/TW về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, sự nghiệp TDTT nước nhà có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Điều đó, được thể hiện trên các mặt: Về Thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020 tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động thể dục, thể thao của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hơn; các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian và một số môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.
Thể thao thành tích cao có bước tiến bộ, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao, giải thể thao quốc tế,… Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, tạo tiền đề và cơ sở quan trọng để tiếp tục vận động, giành quyền đăng cai Asian Beach Games lần thứ 5 và Asian Games lần thứ 18 tại Việt Nam.
Công tác tổ chức, quản lý ngành TDTT được tăng cường một bước và đang dần được củng cố. Cơ sở vật chất kỹ thuật được nâng cấp và xây dựng mới cả ở cấp trung ương và địa phương; hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao ngày càng được tăng cường và mở rộng, vị thế của thể thao Việt Nam đã được nâng cao…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà NQ 08-NQ/TW đã đặt ra. Việc này đã được thực hiện như thế nào thưa ông?
Công tác GDTC và thể thao trong trường học đã có những chuyển biến bước đầu. Tính đến hết năm 2013, cả nước có trên 90% số trường học thực hiện tốt chương trình GDTC chính khoá có nề nếp theo quy định; có trên 60% số trường học có hoạt động TDTT ngoại khoá thường xuyên; có trên 85% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn thể lực theo quy định.
Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã từng bước được thay đổi cho phù hợp. Trong đó, hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh, sinh viên ngày càng đa dạng và dần đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, việc mở rộng câu lạc bộ TDTT trường học có tổ chức, có người hướng dẫn ngày càng được phát triển; nhiều nội dung tập luyện được đưa vào các hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được lồng ghép với phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Đội ngũ giáo viên TDTT ở các trường học được đào tạo, nâng cao kiến thức, từng bước đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao ở trường học các cấp bước đầu được quy hoạch và đầu tư xây dựng; công tác chỉ đạo điều hành về GDTC tiếp tục được tăng cường; công tác nghiên cứu khoa học về GDTC và y tế học đường ngày càng được chú trọng…
Hoạt động TDTT của học sinh, sinh viên đã được quan tâm. Hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các giải thể thao cho học sinh, sinh viên nhằm đánh giá công tác GDTC và luyện tập của các nhà trường. Đặc biệt, các hoạt động lớn được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần, như: Hội khỏe Phù đổng toàn quốc, Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc, Hội thi nghiệp vụ sư phạm văn nghệ thể thao các trường sư phạm toàn quốc, Hội thi Văn hoá thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc... Qua các hoạt động phong trào, đã tuyển chọn lực lượng đại diện cho học sinh, sinh viên Việt Nam tham dự các đại hội thể thao học sinh, sinh viên quốc tế đạt được nhiều kết quả tốt. Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á và nhiều giải thi đấu thể thao quốc tế quan trọng khác.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW có gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Qua triển khai thực hiện NQ 08-NQ/TW cho thấy còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác quản lý Nhà nước về TDTT đôi khi còn bị động, chạy theo việc xử lý, đối phó với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; chưa chủ động trong việc triển khai công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, định hướng dư luận xã hội về các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đối với phát triển sự nghiệp TDTT. Hiệu quả công tác xã hội hoá TDTT chưa cao; cơ chế, chính sách phát triển thể thao chuyên nghiệp còn chưa đồng bộ và hạn chế. Hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao có nhiều chuyển biến song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống đối với cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên mặc dù đã được triển khai nhưng chưa thường xuyên và quyết liệt hiệu quả đạt được chưa cao; một bộ phận trọng tài, vận động viên, huấn luyện viên thể thao có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống,…
Trước những khó khăn như vậy, để việc thực hiện NQ 08-NQ/TW một cách hiệu quả, theo ông cần phải có những giải pháp như thế nào?
Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị có hiệu quả, theo chúng tôi trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt 6 nội dung chính: đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác thể dục, thể thao; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thể dục, thể thao; Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học; Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao quần chúng; Nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TDTT.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
HKT (thực hiện)