Hội đồng có sự tham gia của: GS.TS. Lê Quý Phượng - Chủ tịch; PGS.TS.Vũ Đức Thu - Phản biện 1; GS.TS.Nguyễn Xuân Sinh - Phản biện 2; TS. Lê Đức Chương - Phản biện 3; PGS.TS. Phạm Ngọc Viễn - Ủy viên; GS.TS. Lưu Quang Hiệp - Ủy viên; TS.Vũ Thái Hồng - Ủy viên thư ký.
Những đóng góp mới của luận án là xác định được các mẫu kiểm tra đảm bảo độ tin cậy, tính thông báo và xây dựng thành các tiêu chuẩn đánh giá sức bền chuyên môn của VĐV Bóng chuyền nữ cấp cao Việt Nam theo vị trí chuyên môn hóa, phù hơp với đặc điểm hoạt động trong Bóng chuyền gồm: 05 mẫu kiểm tra đánh giá nhóm VĐV tấn công, 05 mẫu kiểm tra đánh giá nhóm VĐV chuyền hai và 03 mẫu kiểm tra đánh giá nhóm VĐV Libero. Trong đó đã ứng dụng hệ thống VIS (Volleyball Information System) để đánh giá sức bền thi đấu.
Xác định được các tổ hợp phương pháp huấn huyện, bài tập để phát triển sức bền chuyên môn cho VĐV Bóng chuyền nữ cấp cao Việt Nam cùng với kế hoạch huấn luyện cụ thể được thông qua kiểm nghiệm đảm bảo tính khoa học.
Luận án dày 135 trang với 4 chương, 38 bảng, 16 biểu đồ, 3 mô hình và 2 hình vẽ đã được các thành viên Hội đồng đánh giá rằng có ý nghĩa về khoa học và thực tiễn giúp cho các HLV có thêm tiêu chí đánh giá trong huấn luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thành tích thi đấu cho các VĐV Bóng chuyền nữ cấp cao ở Việt Nam hiện nay.
|
Chủ tịch Hội đồng Lê Quý Phượng công bố nhận xét cho luận án (Ảnh: A.T) |
Luận án sử dụng 8 phương pháp nghiên cứu là các phương pháp thường quy, đảm bảo độ tin cậy, khách quan và phù hợp để giải quyết các mục tiêu đề ra của đề tài. Đối tượng nghiên cứu đủ, đáp ứng được các yêu cầu của luận án.
Đề tài đã chọn lựa được 15 mẫu kiểm tra đánh giá sức bền chuyên môn của VĐV Bóng chuyền nữ cấp cao, 4 phương pháp huấn luyện phát triển sức bền chuyên môn cho VĐV Bóng chuyền nữ cấp cao và chia thành 3 tổ hợp và cả 3 tổ hợp đều thể hiện tính hiệu quả cao nhất, xây dựng được 50 bài tập trong đó phát triển sức bền tốc độ 18 bài, phát triển sức bền bật nhảy 19 bài, phát triển sức bền thi đấu 13 bài.
Tuy nhiên, luận án còn một số thiếu sót cần tập trung sửa đổi như: việc thực nghiệm 3 phương pháp huấn luyện ở 3 đội khác nhau cần được lý giải và kiểm soát tốt hơn vì 3 đội có những điểm không tương đồng; mẫu kiểm tra đánh giá là phương pháp kiểm tra thô sơ, phụ thuộc vào yếu tố khách quan nên kết quả chứng minh chưa thuyết phục; các phương pháp tâm lý, y sinh được sử dụng song số liệu thu được còn ít chưa làm nổi bật được giá trị của chúng trong sức bền chuyên môn; tóm tắt luận án vẫn còn một số lỗi chính tả, in ấn...
Với những ưu điểm trên, đề tài đã hội đủ yêu cầu của một luận án tiến sĩ và đề tài đã được các thành viên trong Hội đồng chấm luận án nhất trí thông qua.
A.T