Tính đến thời điểm này, con số VĐV Việt Nam chính thức có mặt tại Olympic Bắc Kinh 2008 là 21 (trong đó có 8 suất của Wushu, là môn biểu diễn không tính thành tích), gồm: Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu (Teakwondo); Đoàn Kiến Quốc (Bóng bàn); Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ); Nguyễn Mạnh Tường (Bắn súng); Nguyễn Tiến Minh, Lê Ngọc Nguyên Nhung (Cầu lông); Nguyễn Thị Thiết, Hoàng Anh Tuấn (Cử tạ); Nguyễn Hữu Việt (Bơi); Vũ Thị Hương, Nguyễn Đình Cương (Điền kinh) và 8 VĐV của môn Wushu, gồm: Vũ Thuỳ Linh, Vũ Trà My, Trần Đức Trọng, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thuý Ngân, Lương Thị Hoa, Trương Trọng Đỏ.
Vì vậy việc hoàn thành chỉ tiêu từ 20 đến 25 VĐV Việt Nam có mặt tại Bắc Kinh tính đến thời điểm này gần như đã đạt mục tiêu đề ra. Những gương mặt tiêu biểu trên khiến NHM tin tưởng hơn bao giờ hết về trình độ, khả năng giành huy chương tại đấu trường danh giá này. Để có cái nhìn tổng quát nhất về trình độ tập luyện, kỹ - chiến thuật, tâm lý thi đấu, chế độ dinh dưỡng và nhiều yếu tố khác... của các VĐV này, Trang tin TD, TT Việt Nam sẽ giới thiệu tới quý độc giả chuyên đề về những gương mặt Olympic Việt Nam năm 2008.
|
Xạ thủ Mạnh Tường (Ảnh: QK) |
Là đại diện duy nhất của Bắn súng Việt Nam có mặt tại đấu trường danh giá nhất hành tinh, xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường đang tích cực tập luyện tại Trung tâm HLTT Quốc gia Hà Nội với mong muốn thể hiện tốt nhất các bài bắn để giành thành tích cao tại TVH. Mỗi ngày 2 buổi tập bắn, kết hợp với tập thể lực chuyên môn, xạ thủ Mạnh Tường vẫn tỏ ra sung sức và nhanh nhẹn so với độ tuổi 45 của anh.
Được phát hiện qua một giải đấu của Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Mạnh Tường đã thể hiện tốt những khả năng và ưu điểm của những VĐV Bắn súng sau khi chính thức được gọi lên đội tuyển. 33 tuổi, vào nghề muộn hơn so với các đồng nghiệp nhưng với Mạnh Tường đó không phải là hạn chế để anh tiến đến những mục tiêu đề ra mà ngược lại với những đức tính thường thấy của một người ở vào cái tuổi này: điềm đạm, kiên trì, cẩn thận.... anh đã đạt được những thành tựu bất ngờ và trở thành tấm gương sáng của nhiều VĐV.
Thành tích của Mạnh Tường hẳn là phải có một bảng kê dài. Sau 3 năm tập luyện anh đã chính thức tham dự sân chơi khu vực (SEA Games 19, 1997 tại Indonesia) và giành được 3 HCV. Đây là thành tích rất xuất sắc đối với một VĐV khi lần đầu tham dự đấu trường lớn nhất khu vực ĐNA, đồng thời là mốc son đáng nhớ trong sự nghiệp của anh, mở ra hàng loạt những thành tích vang dội sau này. 3 HCV mà Mạnh Tường giành được đã giúp đoàn TTVN đứng ở vị trí thứ 5 toàn đoàn với 35 HCV, 48 HCB, 50 HCĐ tại Đại hội. Cũng chính thành tích này đã đưa anh lên vị trí tiêu biểu của thể thao nước nhà khi lần đầu tiên Việt Nam có một xạ thủ hàng đầu Đông Nam Á.
Năm 2001, SEA Games 21 tại Malaysia, một lần nữa Mạnh Tường lại khẳng định tên tuổi và tài năng của mình khi giành 4 HCV ở tất cả các nội dung tham dự. Cũng tại Đại hội này, thành tích của đoàn TTVN đã được nâng lên đáng kể (ở vị trí thứ 4) với 33 HCV, 35 HCB, 64 HCĐ. Hai năm trôi qua, SEA Games 22 (tổ chức tại Việt Nam), với sự nỗ lực hết mình, thêm một lần nữa Mạnh Tường lại hoàn thành bài thi xuất sắc và giành tới 5 HCV. Như vậy, trải qua 5 kỳ SEA Games liên tiếp, Mạnh Tường đã đóng góp cho đoàn TTVN tổng cộng 14 HCV, đó là chưa kể tới những thành tích vang dội khác mà anh đạt được tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Đây quả là một con số đáng nể phục và không phải một VĐV nào cũng có thể đạt được.
Với riêng bản thân xạ thủ Mạnh Tường thì việc tham dự TVH 2008 là một cơ hội quý báu, đáng tự hào và rất có thể đây sẽ là lần tham dự TVH cuối cùng của anh trên cương vị là một VĐV. Vì vậy, Mạnh Tường đã xác định việc chuẩn bị tốt về chuyên môn là yếu tố quan trọng nhất. Còn nhớ lần tham dự trước, dù không đạt được thành tích như mong muốn nhưng với việc trở thành người cầm cờ cho đoàn TTVN tại Olympic Athens 2004, Mạnh Tường vẫn cảm nhận rõ niềm tự hào và trọng trách tại mỗi kỳ TVH.
Xuân Nhi