Căng cơ hoặc cơ bắp bị co kéo là một tình trạng khi các cơ bắp bị kéo giãn quá mức thậm chí bị rách. Đây là kết quả do mệt mỏi, lạm dụng quá mức hoặc sử dụng cơ bắp không đúng. Mọi bộ phận đều có thể xảy ra tính trạng này nhưng phổ biến nhất là các cơ lưng dưới, cổ, vai và gân kheo.
Khi một người bị tổn thương cơ bắp, các sợi cơ và dây chằng gắn vào bắp thịt bị xé rách một phần hoặc toàn bộ. Rách cơ ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, dẫn đến chảy máu cục bộ hoặc bầm tím và đau tại chỗ tổn thương.
Với người chạy bộ, chân là bộ phận dễ bị căng cơ và cảm giác rất rõ, khiến họ phải dừng lại gần như ngay lập tức. Nếu gắng gượng chạy tiếp, hậu quả có thể là đứt sợi cơ, rách cơ và ất khó để phục hồi lại như cũ được. Các biểu hiện runner cần lưu ý để biết mình đang bị căng cơ gồm: bắp chân cứng, vận động có cảm giác như bị bóp chặt vào phần cơ bắp đó: sưng tấy, bâm tím ở một vài vị trí; đau khi vận động tiếp; co duỗi nhóm cơ chân sẽ thấy bị đau ở một vị trí hoặc một động tác nhất định. Ngoài ra, nếu hiện tượng nặng như rách, đứt cơ thì biểu hiện sẽ rõ ràng là không thể co duỗi như cũ.
Nguyên nhân chủ yếu gây căng cơ trong chạy bộ thường đến từ khởi động cơ bắp không cẩn thận trước khi bắt đầu, chân thiếu độ mềm dẻo, cơ bắp quá tải, tập luyện nhiều và cường độ cao. Căng cơ cấp tính có thể xảy ra khi người chạy trượt ngã hoặc mất thăng bằng, làm việc quá nặng. Căng cơ cấp tính cũng phổ biến hơn trong thời tiết lạnh do cơ bắp bị co cứng ở nhiệt độ thấp. Do vậy, nếu runner khởi động đúng cách làm ấm cơ bắp sẽ giúp ngăn ngừa trình trạng này.
Cách khắc phục
Khi chạy, cơ bắp chân là phần làm việc cường độ cao nhất. Do đó, nó sẽ dễ gặp tình trạng bị căng cứng hoặc chấn thương. Để khắc phục điều này, runner cần thực hiện những điều sau đây:
- Khởi động kỹ trước khi chạy với các động tác kỹ càng cho mọi nhóm cơ trên cơ thể đặc biệt là cổ chân, cổ tay, khớp gối, khuỷu tay, bả vai, đùi, hông, lưng. Thực hiện tại chỗ với các khớp ở chân tay. Sau đó nên đi bộ và chạy nhẹ nhàng hai chiều trong phạm vị 10 m trở lại để cơ quen dần với các động tác bị ngoặt, vắt chéo. Đây là phần khởi động quan trọng giúp cơ chân quen với các việc bị một số động tác sai ở mức cho phép khi chạy.
- Tìm hiểu cách chạy bộ đúng tư thế. Runner có thể tìm hiểu chi tiết về cách chạy bộ sao cho đúng, tiết kiệm sức và giảm thiểu nguy cơ trấn thương.
- Thực hiện các chế độ nghỉ ngơi và ăn uống lành mạnh. Trong đó chú ý, người chạy bộ không nên thức khuya hay thường xuyên uống bia rượu , dùng các chất kích thích bởi sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, lượng độc tố tồn tại trên cơ liên tục và tích lũy dần dần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây hiện tượng căng cơ.
Hãy thực hiện giờ giấc ngủ khoa học. Ăn uống các chất tốt cho sức khỏe, tốt cho cơ, nhất là việc bổ sung protein cũng rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng cơ.
- Thường xuyên tập chạy, đưa cơ thể vào cường độ hoạt động cao. Chạy thường xuyên sẽ giúp runner tăng sự dẻo dai và sẵn sàng bắt cơ thể hoạt động đột ngột, thải độc tố qua tuyến bài tiết cực cao.
- Tránh sử dụng những cơ bắp bị tổn thương trong một vài ngày. Chườm đá ngay sau khi bị căng cơ để giảm sưng. Băng nén có thể được dùng quấn băng đàn hồi xung quanh vùng tổn thương cho đến khi giảm sưng. Không quấn quá chặt vì có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
Thành Dương (tổng hợp)