Trong 10 năm ấy, Thuý Hiền đã gặt hái tất cả những tấm huy chương danh giá nhất mà bất kỳ VĐV nào cũng mơ ước. Cô đã trở thành biểu tượng của thể thao Hà Nội, niềm tự hào Việt Nam.
Thuý Hiền hôm nay chín chắn và trầm lắng hơn nhiều so với thời còn là một "bông hoa nở sớm" của làng Wushu Việt Nam. Cô tỏ ra khá sâu sắc khi hồi tưởng lại những chặng đường đã qua.
"Tôi đến với Wushu thật tình cờ".
Hiền "tổng kết" sự nghiệp của mình như thế. Năm 12 tuổi, Hiền và chị gái (sau này là VĐV cầu mây xuất sắc Nguyễn Thuý Vinh của ĐTVN) cùng chập chững tham gia vào một lớp võ cổ truyền mở cạnh nhà, gần ga Gia Lâm, sau đó sang tập bên Sở TDTT Hà Nội (số 5 - Trịnh Hoài Đức).
Khi Sở TDTT Hà Nội mở khoá Wushu đầu tiên, cả hai chị em được "nhặt" sang cùng với nhiều võ sinh thuộc các môn phái khác. Chị Vinh không có năng khiếu nên được chuyển qua bóng chuyền, rồi cầu mây, để Hiền ở lại.
Bản thân Hiền cũng đâu có dễ dàng khẳng định được mình. "Ban đầu, tôi là người ít gây được ấn tượng với các chuyên gia nhất. Không có độ dẻo, không đá bay được cao như nhiều bạn khác... Đành phải bù lại bằng cách tập đêm tập ngày, tập thật nhiều.
"Tuy nhiên, mọi người nói với tôi rằng tôi có một điểm rất mạnh, đó là khả năng tập trung cao độ cho từng động tác. Ánh mắt như thế nào, nét mặt ra sao, kết thúc động tác mềm mại hay dứt khoát... Đó chính là thần thái, một trong những tiêu chí hàng đầu của một bài taolu - biểu diễn".
"Tôi chưa bao giờ là người tự tin".
"Trước mỗi cuộc thi đấu, tôi không bao giờ có ý nghĩ mình phải thắng người này, vượt qua người kia... Nhìn ai tôi cũng thấy họ có những ưu điểm riêng mà mình phải "theo dài dài" mới kịp".
Ngay cả khi đã trở thành vô địch thế giới, Thuý Hiền vẫn thường xuyên cảm thấy mình bé nhỏ khi đứng trước các đối thủ người Trung Quốc và ngay cả các "đàn chị" trong đội tuyển.
"Có lẽ chính nhờ tâm lý ấy mà tôi luôn bước vào thi đấu với sự cố gắng cao nhất. Không đặt nặng mục tiêu thành tích, nhưng tôi luôn luôn tâm niệm phải thể hiện sao cho toát lên được hết những gì đã học, đã luyện rèn".
Đó là lý do vì sao Thuý Hiền duy trì được danh hiệu "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam suốt 10 năm liên tục. Bộ sưu tập huy chương vàng của cô cứ dày thêm theo năm tháng, không thiếu bất kỳ một cấp độ nào: SEA Games có, châu Á có, và HCV thế giới lại càng nhiều.
"Tôi đã không bật khóc khi đoạt HCV thế giới đầu tiên".
"Đó là giải năm 1993 tại Malaysia. Khi bài thi của tôi đạt số điểm cao nhất, trong lúc mọi người cùng đoàn mừng đến rơi nước mắt thì tôi lại không hề bật khóc. Sự thật là tôi quá sung sướng và bất ngờ, đến mức cảm xúc như bị nghẹn lại.
Tôi không thể nào quên hôm đoàn về nước, cái khoảnh khắc từ trên máy bay bước xuống. Ngạc nhiên kinh khủng khi đón mình tận chân cầu thang là bà con họ hàng từ quê lên, các bác các chú bên Sở TDTT Hà Nội, UBTDTT, rồi các phóng viên...
14 tuổi, tôi còn quá nhỏ để nghĩ rằng mình lại quan trọng đến thế. Mãi sau này, tôi mới biết mình đã giành tấm HCV quốc tế đầu tiên kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập cùng thế giới.
Kể ra thì thành tích này cũng có rất nhiều may mắn. May nhất là tôi được tham dự giải đúng vào phút cuối cùng. Do các bác lãnh đạo Sở xin thêm được 1 suất nên tôi được chọn đi để học hỏi, mở mang kinh nghiệm. Không ngờ...
Đến lúc này, mọi người mới tiếc ngược lại cho SEA Games 93 cách đó không lâu. Ai cũng bảo, nếu mạnh dạn đưa tôi đến Singapore thì biết đâu Việt Nam đã có từ 1 đến 2 HCV?"
Nhưng không phải chờ đợi lâu, kể từ thời điểm đó, Thuý Hiền nghiễm nhiên phải gánh nhiệm vụ đoạt HCV tại tất cả các giải đấu mà cô tham dự. Kỳ vọng của người hâm mộ càng nhiều, cô càng phải gắng sức chung sống và vượt qua áp lực.
"Tôi như quả chanh đã vắt đến những tép nước cuối cùng".
Cuộc sống đôi khi cần những khoảng lặng. Thuý Hiền vừa trải qua hơn 8 tháng không Wushu, chờ đợi ngày ra đời của đứa con gái đầu lòng. Hiền lấy chồng cách đây đã 2 năm, nhưng cô kiên nhẫn "kế hoạch" đến hết SEA Games 22.
"Nếu SEA Games 22 không tổ chức tại đất nước mình thì chắc là tôi đã xin nghỉ từ trước đó. Tôi như quả chanh đã vắt đến những tép nước cuối cùng. Tự cảm thấy thời sung sức của mình đã qua khá lâu rồi".
Liệu có ai hiểu rằng 10 năm chinh phục mọi đỉnh cao cũng chính là 10 năm Thuý Hiền vật lộn với đủ loại chấn thương. Cô không thể nhớ hết mình đã từng đau ở đâu, vì lý do gì...
Đau rồi lại khỏi, nhưng có 2 vết thương hành hạ Thuý Hiền dữ dội nhất và buộc cô phải ngừng thi đấu. Đầu tiên là chấn thương hông - lẽo đẽo bám theo Hiền ngay từ những ngày nhập môn Wushu, nhưng phải đến năm 2002 mới thực sự "phát tác". Nó đã khiến cô trắng tay tại ASIAD Busan.
Nghiến răng lấy lại những gì đã mất, Hiền lao vào tập luyện những động tác mới có độ khó cao, tập "như điên" - theo lời cô miêu tả. Kết quả là gì? Kéo theo một chấn thương nặng nơi đầu gối, đẩy sự nghiệp VĐV của cô đến bên bờ vực thẳm.
Khi nhắc đến chuyện này, sắc mặt Hiền vẫn không khỏi lộ ra những nét kinh hoàng: "Hôm đó là một buổi tập bình thường, tôi thực hiện một động tác đá bay. Lúc tiếp đất, do dây chằng hông trái quá xơ cứng, chiếc đầu gối phải bị bẻ quặt hẳn sang một bên.
Cả nhà tập đều nghe thấy tiếng "rắc" ghê hồn. Tôi cảm tưởng chân mình như rời hẳn ra. Sau đó mất gần nửa năm nghỉ vận động. Tôi được đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) chữa trị, nhưng đây lại là vùng tâm dịch SARS. Đành quay về nước, mua theo chiếc máy chạy điện tự chữa ở nhà.
Đó là khoảng thời gian buồn nản ghê gớm, nếu không có anh Tú (ca sĩ Anh Tú - chồng của Thuý Hiền - NV) động viên thì có lẽ tôi đã không đủ nghị lực để quay trở lại. Anh ấy luôn lấy trường hợp của Ronaldo ra để khuyến khích tôi.
Thật may, tôi kịp bình phục trước SEA Games 22. Tuy chỉ giành được 1 HCV tại giải đấu này nhưng đó đã là điều quá tốt đối với một cái đầu gối luôn băng chặt. Tôi hoàn toàn thanh thản trước lúc chia tay sự nghiệp VĐV".
"Thể thao đã mang lại cho tôi rất nhiều".
Danh tiếng, tiền bạc và một căn hộ ấm áp ở khu tập thể Nam Thành Công, đó là những thành quả rõ nhất mà Thuý Hiền có được từ thể thao, theo người ngoài cảm nhận được. Nhưng đối với Hiền, còn một điều quan trọng khác: "thể thao đã nuôi sống hai chị em tôi ngay từ những ngày tháng khó khăn".
Ai cũng biết hoàn cảnh gia đình Hiền hồi nhỏ không hạnh phúc. Vì vậy, Hiền rất biết ơn môn võ Wushu đã giúp cô lập nghiệp: "Bây giờ tôi đã có biên chế của Sở TDTT Hà Nội, với nhiệm vụ HLV đội trẻ. Tuy nhiên không phải VĐV nào cũng may mắn được như tôi.
Tôi mong cùng với sự phát triển của thể thao Việt Nam, các VĐV được hưởng những tiêu chuẩn đãi ngộ cao hơn, có những mức thưởng vật chất cụ thể để phấn đấu. Ngoài ra, cũng có không ít VĐV tài năng mà theo tôi biết, vì chấn thương mà phải giã từ sự nghiệp chỉ sau một vài giải đấu. Chúng ta đã làm gì để đáp đền cho họ"?
Anh Đức thực hiện
Việt Báo (Theo_VietNamNet)