Ở Thế vận hội mùa hè năm 1988 tại Hàn Quốc, Việt Nam có hai võ sĩ được xét đặc cách tham dự, đó là: Đỗ Tiến Tuấn (hạng 67kg) và Đặng Hiếu Hiền (48kg). Trong đó, võ sĩ Đặng Hiếu Hiền đã để lại dấu ấn cho boxing Việt Nam, khi xuất sắc đánh bại đối thủ của Tây Ban Nha ở vòng loại và phải dừng bước ở vòng 1/8, trước một võ sĩ của Mỹ, cường quốc về boxing.
Sau hơn 30 năm, võ sĩ Nguyễn Văn Đương không chỉ giành vé trực tiếp đến Olympic Tokyo 2020, mà còn xuất sắc tái lập thành tích của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền, khi giành chiến thắng ấn tượng trước võ sĩ hạng 9 thế giới Tayfur Aliyev (Azerbaijan) ở vòng 1/16. Võ sĩ Nguyễn Văn Đương chỉ chấp nhận dừng bước ở vòng 1/8 trước võ sĩ số 1 châu Á Erdenebat Tsendbaatar (Mông Cổ).
Võ sĩ Nguyễn Văn Đương chia sẻ: “Tại đấu trường Olympic, các đối thủ đều rất mạnh, đặc biệt, vận động viên Erdenebat Tsendbaatar của Mông Cổ là vận động viên số 1 của châu Á. Tuy nhiên, thi đấu ở đấu trường Olympic, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Các đối thủ di chuyển rất nhanh, thể lực tốt và khi ra đòn hoặc phản đòn đều có lực mạnh. Chính vì vậy, tôi đã thấy được điểm yếu của mình để tìm cách khắc phục”.
Còn huấn luyện viên đội tuyển boxing Việt Nam Nguyễn Như Cường cho rằng, dù không thể tiến xa hơn tại đấu trường Olympic, song thành tích mà võ sĩ Nguyễn Văn Đương đạt được tại Olympic Tokyo 2020 là rất đáng khen ngợi và trân trọng. Đặc biệt, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các chuyến tập huấn và thi đấu cọ xát với các đối thủ nước ngoài đều bị hủy, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tập luyện của võ sĩ Nguyễn Văn Đương.
"Để duy trì phong độ của võ sĩ Nguyễn Văn Đương, Ban huấn luyện đã phân công hai đồng đội ở đội quyền anh Việt Nam, là Nguyễn Văn Giới hạng 60kg và Vũ Thành Đạt hạng 64kg thay nhau đấu tập, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu được thi đấu cọ xát nhiều hơn, được thử nghiệm nhiều lối đánh khác nhau, chắc chắn kết quả thi đấu của võ sĩ Nguyễn Văn Đương sẽ khác", huấn luyện viên Nguyễn Như Cường nói.
Võ sĩ Nguyễn Văn Đương là một tài năng của boxing Việt Nam, song con đường dẫn đến thành công như ngày hôm nay của anh lại khá gập ghềnh. Sinh năm 1996 tại tỉnh Bắc Giang, từ nhỏ Nguyễn Văn Đương đã mê phim võ thuật và học taekwondo ở trường. Hết năm lớp 7, biết người anh họ đang học quyền anh ở đội Công an nhân dân, Đương xin bố mẹ lên Hà Nội tập cùng. Năm 2010, ngay lần đầu dự giải trẻ toàn quốc, võ sĩ Nguyễn Văn Đương đã giành Huy chương vàng lứa tuổi 13-14. Thế nhưng, năm 2011, võ sĩ Nguyễn Văn Đương lại thua ngay trận đầu, trước đối thủ mà năm trước vừa giành chiến thắng. Năm 2012, võ sĩ Nguyễn Văn Đương tiếp tục thất bại ngay trận ra quân, vì đối thủ gian lận tuổi. Chán nản vì thành tích đi xuống, võ sĩ Nguyễn Văn Đương về quê, ôn văn hóa để thi vào một trường quân đội. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, anh bỏ học, trở lại Hà Nội, tiếp tục theo đuổi đam mê võ thuật. "Rất may mắn, các thầy vẫn đồng ý cho tôi quay lại. Ba tháng sau, tôi thi đấu ở giải quốc gia, giành Huy chương đồng. Với thành tích này, đã giúp tôi tự tin hơn, tiếp tục theo đuổi boxing và có được thành công như ngày hôm nay", võ sĩ Nguyễn Văn Đương cho hay.
Trưởng bộ môn Boxing - Kickboxing, Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Đức Thịnh cho biết, Nguyễn Văn Đương là võ sĩ có nội lực và trình độ chuyên môn tốt. Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tạo mọi điều kiện để võ sĩ Nguyễn Văn Đương được tập luyện, thi đấu cọ xát ở nước ngoài, khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Với lối đánh sở trường là tấn công nhanh, nếu được tập luyện, thi đấu cọ xát nhiều hơn, chắc chắn võ sĩ Nguyễn Văn Đương còn tiến xa hơn. Mục tiêu trước mắt của võ sĩ Nguyễn Văn Đương là SEA Games 31...”, Trưởng bộ môn Boxing - Kickboxing Vũ Đức Thịnh cho biết thêm.
Theo Ngân Hà