Noah Lyles ngôi sao sáng nhất làng điền kinh Mỹ đã khiến người hâm mộ thán phục khi giành danh hiệu “người đàn ông nhanh nhất hành tinh”. Anh vừa chứng minh điều đó ở đường chạy 100m nam tại sân Stade de France, Olympic Paris 2024. Và phía sau tấm huy chương vàng đầy ly kỳ của anh là những câu chuyện không kém phần thú vị.
Chung kết 100m nam chỉ diễn ra khoảng 10 giây, nhưng đó là một trong những quãng thời gian giá trị nhất Thế vận hội. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, rất nhiều điều đã xảy ra khiến nó trở thành trận chung kết kịch tính, hấp dẫn và đáng nhớ bậc nhất trong lịch sử Olympic. Lyles ngang bằng thành tích 9,79 giây với VĐV Jamaica Thompson, nhưng Lyles đoạt HCV nhờ siêu máy tính cho biết anh nhanh hơn... 5/1.000 giây: 9,7984 giây so với 9,7989 giây. Một sự chênh lệch mà mắt thường không thể nhận ra, thậm chí máy quay 8K thế hệ mới với tốc độ quay chậm cực đại cũng khó phát hiện.
Và đây chính là kết quả từ hệ thống máy tính, máy đo thời gian của Omega, đối tác thương hiệu của Olympic từ năm 1932, sản phẩm mà tôi đã đề cập ở những số báo trước. Đó là hệ thống Scan O Vision Ultimate có thể chụp 40.000 hình ảnh mỗi giây từ cự ly... 5mm. Để vận hành chỉ riêng hệ thống này, cần hàng chục tấn thiết bị, hơn 300 máy tính, 120 người vận hành, điều phối. Chỉ có những cỗ máy siêu việt như vậy mới có thể phân định rõ ràng, rạch ròi đến sai số tới 1/1.000 giây như vậy. Nếu không có thiết bị này thì sẽ ra sao nhỉ? Hai VĐV đồng HCV hay một phán quyết sai lầm?
Cuộc đua chung kết 100m nam là cuộc đua phi thường nhất lịch sử, khi lần đầu tiên cả 8 VĐV đều có thành tích chạy dưới 10 giây. Người về nhất hơn người về thứ 8 chỉ 0,12 giây. Người xuất phát tốt nhất là VĐV người Mỹ Fred Kerley với 0,108 giây, sau đó là VĐV người Italy, Marcell Jacobs với 0,114 giây. Kerley đứng thứ 3 sau nửa chặng đua, khi đó Lyles đứng cuối cùng ở vị trí thứ 8. Đến mốc 90m, Lyles vẫn chỉ đứng thứ hai, điều đó có nghĩa là từ vị trí cuối cùng ở mét thứ 50, chỉ 40m sau, Lyles vọt lên 7 bậc. Trong 10m cuối, Lyles thắng nhờ khả năng rướn người, hơn VĐV về nhì Thompson có... 5/1.000 giây. Vâng! 5 phần nghìn giây!
Lyles năm nay 27 tuổi, sinh tại Florida, cũng đang là đương kim vô địch thế giới 100m, sau khi đăng quang hồi năm ngoái tại giải vô địch thế giới ở Budapest. Báo chí Mỹ ca ngợi Lyles bằng từ ngữ khác thường: “Braggadocio”, có nghĩa là kiêu ngạo, chỉ hành vi của người quá kiêu hãnh, quá tự tin. Từ nguyên thủy của nó xuất phát từ văn học, là tên nhân vật Braggadocchio trong sử thi "The Faerie Queene", một tác phẩm của Edmund Spenser, xuất bản vào cuối thế kỷ 16. Đây là bộ tác phẩm kinh điển của văn học Anh, với 36.000 dòng và 4.000 khổ thơ, cũng là một trong những sử thi dài nhất bằng tiếng Anh. Đặc biệt hơn, qua tác phẩm này, Edmund Spenser đã phát minh ra hình thức thơ mới, gọi là khổ thơ Spenserian. Theo giải thích của Từ điển Oxford thì cái tên Braggadocio xuất phát từ “to brag”, có nghĩa là khoe khoang. Nhưng hậu tố "occio" thường được dùng để thể hiện sự yêu quý trong tiếng Italy.
Thực tế thì báo chí Mỹ cũng có dụng ý cả, bởi trước đây, từ khi được chọn vào đội tuyển chạy nước rút của Mỹ và nhất là sau khi vô địch thế giới, Lyles không ít lần thể hiện sự ngông nghênh, từng ăn mừng sau khi giành HCV bằng cách chạy điên cuồng hơn nửa đường đua, lao vào khán giả... Tờ Guardian (Anh) bình rằng: Lyles đã dành cả năm 2024 để tự gọi mình là “người đàn ông nhanh nhất thế giới”, dù trước Olympic, người nắm giữ kỷ lục chính là người về nhì, Thompson, với thành tích 9,77 giây.
Nhưng dẫu sao thì người thắng có quyền lên tiếng và có lý nhất. Lúc này, Lyles có thể thoải mái tự tin hay thể hiện những gì mình muốn. Anh đang là người nhanh nhất hành tinh, dù chỉ hơn đối thủ của mình có... 5 phần nghìn giây.
Thành Lê