Môn bóng đá nam tại Olympic Tokyo 2020 khởi tranh ngày 22-7 và kết thúc ngày 7-8, được tổ chức tại 6 địa điểm thi đấu thuộc 6 thành phố. Theo quy định, toàn bộ cầu thủ các đội đều ở độ tuổi dưới 23, ngoại trừ 3 trường hợp được phép quá tuổi.
Ngoài Nhật Bản với tư cách chủ nhà, 15 đội tuyển quốc gia đến từ 6 liên đoàn châu lục sẽ góp mặt tại giải lần thứ 27 trong lịch sử. Toàn bộ 16 đội được chia thành 4 bảng đấu, với mỗi bảng gồm 4 đội. Bảng A gồm: Nhật Bản, Nam Phi, Mexico, Pháp; bảng B gồm: New Zealand, Hàn Quốc, Honduras, Romani; bảng C gồm: Ai Cập, Tây Ban Nha, Argentina, Australia; bảng D gồm: Brazil, Đức, Bờ Biển Ngà, Saudi Arabia.
Tại vòng bảng, 2 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành quyền đi tiếp. Toàn bộ 4 trận tứ kết đều diễn ra ngày 31-7, trên các sân vận động Miyagi, Kashima, Saitama và Yokohama. Hai trận bán kết diễn ra ngày 3-8, trên sân Kashima và Saitama.
Trận tranh Huy chương đồng diễn ra ngày 6-8 trên sân Saitama. Trận tranh Huy chương bạc và vàng diễn ra ngày 7-8 trên sân Yokohama.Ở môn bóng đá nữ tại Olympic Tokyo 2020, toàn bộ các trận đấu cũng được tổ chức ở 6 địa điểm tương tự như môn bóng đá nam, diễn ra từ ngày 21-7 đến 6-8. Quy định giới hạn độ tuổi không áp dụng với bóng đá nữ.
Tại giải năm nay, đương kim vô địch Đức không thể góp mặt do bị loại tại tứ kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2019 ở Pháp. Trong khi đó, Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ và Anh đều tham dự nhờ thành tích lọt vào bán kết.
Khác với bóng đá nam, 12 đội bóng đá nữ được chia thành 3 bảng E, F và G nhằm tránh gây nhầm lẫn. Chủ nhà Nhật Bản thuộc nhóm hạt giống số 1, trong khi các đội còn lại được sắp xếp tùy theo vị trí trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).
Theo quy định, mỗi bảng không được phép có sự góp mặt của nhiều hơn 1 đội đến từ cùng liên đoàn. Hai đội đứng đầu mỗi bảng và 2 đội có thành tích tốt thứ ba sẽ giành quyền đi tiếp. Hai trận bán kết diễn ra ngày 2-8, trận chung kết diễn ra ngày 6-8 trên sân vận động quốc gia Tokyo.
Theo “Báo Hànộimới”