Sáng nay, (09/02), Hội nghị triển khai công tác TDTT năm 2007 đã diễn ra tại Hà Nội. Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị là tổng kết giai đoạn I và kế hoạch triển khai giai đoạn II Chương trình phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010.
Với mục tiêu mở rộng và nâng cao hiệu quả phong trào TDTT quần chúng tại cơ sở, huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo công tác TDTT, đưa việc tập luyện TDTT trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo quần chúng nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010.
Chương trình được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2005 - 2006) thực hiện thí điểm ở 128 xã, phường, thị trấn theo các tiêu chí đề ra và giai đoạn 2 (2007 - 2010) giai đoạn đại trà. Uỷ ban TDTT đã chủ trì với các Bộ, ban, ngành có liên quan để triển khai giai đoạn I của chương trình. Đến nay, đã có 17 tỉnh thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban điều hành (BĐH) chương trình, 23 tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình đến năm 2010. Bên cạnh đó, BĐH chương trình đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình cũng như điều tra, khảo sát, xây dựng mô hình thí điểm tại 128 xã, phường, thị trấn. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, mặc dù còn bỡ ngỡ và lúng túng, song các địa phương đã thực hiện tốt các công việc được giao. Cụ thể, đã có 30 tỉnh, thành phố tổ chức điều tra thực trạng về TDTT ở cơ sở và gửi báo cáo về BĐH chương trình; 26 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân loại đơn vị cấp xã; 63 tỉnh gửi bản thiết kế và dự án xây dựng sân bãi TDTT ở cấp cơ sở được chọn thí điểm.
Việc mở các lớp bồi dưỡng và tập huấn cán bộ, cộng tác viên (CTV), hướng dẫn viên (HDV) về TDTT cũng được chú trọng. BĐH đã tổ chức 7 lớp tập huấn cán bộ quản lý chương trình cho 325 cán bộ và 9 lớp tập huấn HDV, CTV cho 885 học viên. Một số địa phương đã chủ động phối hợp với BĐH để mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ TDTT cơ sở tại địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Kon Tum... Công tác phổ biến tuyên truyền và đưa thông tin phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của BĐH đến địa phương được thực hiện qua Trang tin điện tử (Website) có tên miền: www.tdttxaphuong.com.vn và cho đến nay đã có gần 17.000 lượt người truy cập. Ngoài ra, để giúp cán bộ TDTT cấp cơ sở có các tư liệu trong quá trình thực thi công việc, BĐH đã xuất bản sách, tài liệu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chương trình và sổ tay hướng dẫn công tác TDTT ở cơ sở.
Có thể thấy, trong 18 tháng qua, Chương trình đã thu được những kết quả khả quan, qua đó, góp phần phát triển phong trào rèn luyện thân thể trong quần chúng nhân dân. Năm 2006, cả nước đã có 20,66% dân số thường xuyên luyện tập TDTT. Bộ máy quản lý, điều hành hoạt động và CTV, HDV TDTT cấp cơ sở tiếp tục được hình thành và phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương đã có ý thức và hành động cụ thể trong việc tạo điều kiện, quy hoạch cơ sở vật chất cho TDTT.
Dù đã thu được những kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận, nhưng chương trình cũng bộc lộ những yếu kém, tồn tại. Đơn cử như việc kinh phí hỗ trợ từ trung ương vừa thiếu, vừa chậm dẫn đến ít có tác dụng trong việc khuyến khích, tạo đòn bẩy phát triển cho phong trào TDTT ở cơ sở. Công tác triển khai chương trình ở nhiều địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các thành viên BĐH là đại diện các Bộ, ban, ngành chưa có sự chủ động dẫn đến kết quả thực hiện và tiến độ công việc chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Việc cập nhật thông tin trên Trang tin điện tử của chương trình còn chậm và nghèo về thông tin nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Qua thực tiễn triển khai giai đoạn I của chương trình, có thể nhận thấy để chương trình đạt được hiệu quả, mục tiêu đề ra cần căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân ở từng địa phương, vùng, miền để xác định nội dung, nhiệm vụ hoạt động TDTT phù hợp; Cần chủ động và đa dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác TDTT; Đội ngũ CTV, HDV phải là lực lượng nòng cốt triển khai chương trình; Tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra công nhận và có chính sách động viên khen thưởng kịp thời; Cần tập trung mạnh vào việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cơ sở vật chất kỹ thuật, đất đai cho TDTT. Đây là những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững TDTT ở xã, phường, thị trấn.
Giai đoạn II của chương trình bắt đầu từ 2007 đến 2010. Nhiệm vụ của giai đoạn này là từ những kết quả, kinh nghiệm đạt được ở giai đoạn I triển khai rộng khắp trên cả nước bằng các giải pháp cụ thể phấn đấu đạt chỉ tiêu cả nước có 23 - 25 % dân số thường xuyên tập luyện TDTT, 90% số CTV, HDV về TDTT ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn; 80% số đơn vị hành chính cấp xã xây dựng được các khu văn hoá, địa điểm tập luyện TDTT.