Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX và Kế hoạch số 33- KH/TƯ của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về phát triển TDTT đến năm 2010, sự nghiệp TDTT Quảng Bình không ngừng phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực về TDTT quần chúng; thể thao thành tích cao cũng như công tác xã hội hóa TDTT. Về mặt nhận thức đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên đã nhận thức vai trò, vị trí của công tác TDTT, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp TDTT tỉnh nhà ngày càng phát triển và đi đúng theo định hướng.
Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh hơn các giai đoạn trước, các môn thể thao trên địa bàn tỉnh phát triển khá phong phú và đa dạng, cơ bản đã phủ kín hết địa bàn. Hầu hết mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều tham gia tập luyện TDTT. Từ năm 2003 đến năm 2009, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh tăng tới 8,9% (từ 16,5% lên 25,4%), dự kiến đến hết năm 2010 tăng lên 26,5%; tỷ lệ hộ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng 8,4% (từ 13% lên 21.4%); Công tác giáo dục thể chất trong các trường học được quan tâm đúng mức. Hoạt động thể dục nội khoá đạt 100% trong đó số trường thực hiện giờ học thể dục nội khóa có chất lượng đạt 75%, hoạt động ngoại khoá đạt 68,5%.
Từ những năm 2003 đến nay, thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Quảng Bình trên đấu trường thể thao toàn quốc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân. Nổi bật là các môn thể thao dưới nước, đây chính là những môn thể thao thế mạnh và mũi nhọn của tỉnh gồm các môn: Bơi; Bơi vượt sông; Lặn có khí tài; Rowing, Đua thuyền truyền thống. Thành tích tham gia thi đấu các giải thể thao toàn quốc và quốc tế của thể thao Quảng Bình đạt được hàng năm từ 100 đến 150 huy chương các loại, trong đó có 10 - 15 huy chương quốc tế; có từ 8 đến 10 VĐV đạt kiện tướng và dự bị kiện tướng; có 10 đến 15 VĐV đạt cấp I quốc gia. Hiện tại Quảng Bình đã có 02 VĐV được phong là kiện tướng quốc tế.
Công tác xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ - CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục; y tế; văn hóa và thể dục thể thao. Sở TDTT (cũ) nay là Sở VH,TT&DL đã xây dựng đề án đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT được UBND tỉnh phê duyệt. Do vậy, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh. Hoạt động TDTT đã có sự quan tâm của các cấp, các ngành và của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn hạn chế: mức độ xã hội hóa phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, các địa phương, giữa thành thị và nông thôn. Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa các hoạt động TDTT còn thiếu và chưa đồng bộ, nên trong tổ chức thực hiện bộc lộ sự lúng túng, hiệu quả mang lại thấp.
Việc xây dựng cơ sở vật chất cho tập luyện TDTT ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền, việc đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập phục vụ cho nhu cầu tập luyện hàng ngày của Thanh, thiếu niên, học sinh và quần chúng nhân dân đã được một số địa phương chú trọng dưới các loại hình lồng ghép với xây dựng khuôn viên của nhà văn hóa thôn, tiểu khu. Trong những năm qua, ngành TDTT cùng với các cấp các ngành đã quan tâm, chỉ đạo và đầu tư xây dựng sân bãi tập luyện, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ cho tập luyện và thi đấu TDTT. Một số huyện, thành phố, ngành, đoàn thể đã tiến hành xây dựng sân vận động, nhà tập đơn giản và các sân bãi khác, như huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng .v.v... Nhiều xã, phường, thị trấn, trường học có quy hoạch giành đất phục vụ hoạt động TDTT cho nhiều đối tượng. Tại trung tâm tỉnh có 02 SVĐ đủ tiêu chuẩn tối thiểu, 01 bể bơi tổng hợp, 15 Nhà tập luyện thể thao đơn giản, 21 sân quần vợt, 251 sân bóng đá, 831 sân bóng chuyền, 200 sân cầu lông đơn giản và một số sân bãi khác phục vụ tập luyện và thi đấu TDTT.
Công tác quy hoạch đất cho TDTT theo chỉ thị 274/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Sở TDTT cũ ( nay là Sở VH,TT&DL) phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo chặt chẽ thường xuyên, các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay toàn tỉnh đã có 154/159 xã, phường, thị trấn hoàn thành quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT.
Thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, tổ chức bộ máy của lĩnh vực TDTT tỉnh từng bước được sắp xếp với mục tiêu vừa tinh gọn, vừa tăng cường về chất lượng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Đội ngũ cán bộ quản lý tại sở VH,TT&DL ngày càng được nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn và lý luận chính trị, 100% cán bộ, HLV thể thao thành tích cao có trình độ cử nhân Giáo dục thể chất. Nhiều HLV được cử đi học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, các tổ chức thể thao trong và ngoài nước tổ chức.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy cấp huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn cũng được quan tâm sắp xếp tại theo hướng phát triển. Trong tổng sổ 7 huyện, thành phố đều có phòng Văn hoá-thông tin là cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, thành phố và 7 trung tâm VHTT- TT và 01 trung tâm TDTT là đơn vị sự nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp TDTT cấp huyện, thành phố phát triển.
Về cơ cấu cán bộ TDTT cấp xã, phường, thị trấn, hiện nay toàn bộ 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa có cán bộ chuyên trách về TDTT (đây là tình trạng chung trong cả nước về cán bộ chuyên trách thể dục thể thao xã, phường). Vì vậy, công tác tổ chức các hoạt động TDTT, vui chơi giải trí cho nhân dân chủ yếu dựa vào số cán bộ hoạt động nghiệp dư, tự nguyện nên phong trào bị hạn chế, không phát huy được các tiềm lực về TDTT và tài năng thể thao ở cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được sau 7 năm triển khai thực hiện chỉ thị 17/CT-TW của Ban Bí thư công tác TDTT trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế và yếu kém như: Nhận thức của một số cấp ủy Đảng về công tác TDTT chưa thật sự đầy đủ, chưa coi trọng vai trò của TDTT trong chiến lược đào tạo và phát huy nhân tố con người. Do đó chưa thực sự quan tâm chăm lo công tác TDTT để đáp ứng với tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. Định biên của cán bộ TDTT từ tỉnh đến cơ sở quá ít, cán bộ TDTT chuyên trách xã, phường, thị trấn chưa có nên khó khăn cho việc chỉ đạo phong trào về đến cơ sở. Thiết chế về TDTT từ cấp huyện đến cơ sở còn thiếu ảnh hưởng đến sự phát triển phong trào. Kinh phí cho hoạt động TDTT từ tỉnh đến cơ sở còn quá ít không đáp ứng cho phong trào thể thao ngày càng phát triển. Công tác xã hội hóa TDTT phát triển không đồng đều, nhiều địa phương còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước nên đã hạn chế đến việc phát triển phong trào chung của toàn tỉnh. Cơ sở vật chất cho tập luyện và thi đấu TDTT còn hạn chế, hầu hết các địa phương chưa đầu tư xây dựng được công trình nào đảm bảo tiêu chuẩn tập luyện và thi đấu thể thao.
Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TW trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo phát triển phong trào TDTT. Đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền đối với công tác TDTT. Các cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần có sự quan tâm phối hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo cho công tác TDTT. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có chương trình hoạt động để lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc, đánh giá việc thực hiện công tác TDTT. Nâng cao nhận thức về công tác TDTT làm cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và nhân dân nhận thức đúng về vai trò, vị trí và tác dụng thiết thực của TDTT đối với sức khỏe của con người.
Thứ hai, phải xác định được TDTT là một bộ phận quan trọng trong chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đảng bộ, chính quyền các cấp, nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH - HĐH quê hương, đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo các hoạt động TDTT ở cơ sở trước hết là việc tập luyện của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi trường học... Tổ chức hình thành nhiều câu lạc bộ, điểm tập luyện TDTT, tổ chức các hoạt động thi đấu, các hội thi, hội thao nhỏ, ít tốn kém do câu lạc bộ và tổ chức xã hội tổ chức có sự hỗ trợ của nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế và truyền thống của địa phương, đơn vị.
Thứ tư, Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn tập luyện TDTT, nêu những gương người tốt, việc tốt trong hoạt động TDTT. Xây dựng các gia đình thể thao, các đơn vị thể thao tiên tiến và tổ chức kiểm tra công nhận danh hiệu. Vận động các đồng chí lãnh đạo tham gia tập luyện TDTT, sự gương mẫu rèn luyện của các đồng chí lãnh đạo sẽ có tính thuyết phục rất lớn đối với việc vận động quần chúng tham gia tập luyện TDTT.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, coi TDTT là sự nghiệp của toàn dân và toàn xã hội hướng mọi hoạt động TDTT với phương châm: nhân dân tự thực hiện tốt 3 vai trò của mình trong hoạt động TDTT: là người sáng tạo, người thực hiện và người hưởng thụ các thành quả và giá trị của các hoạt động TDTT. Trên cơ sở đó nhằm hình thành các tổ chức xã hội về TDTT, tăng cường mối quan hệ giữa ngành VH,TT&DL với các cơ quan, ban, ngành và đoàn thể có liên quan nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp TDTT theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, phải xác định những công trình trọng điểm cần tập trung đầu tư ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, thành phố và các đơn vị xã, phường, thị trấn nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu tập luyện và tổ chức các giải thi đấu cho quần chúng nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Nguyễn Văn Tuynh