Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hoạt động liên quan tới Chính phủ điện tử (CPĐT) như: hơn 50% bộ, ngành và hơn 80% tỉnh, thành phố trực thuộc đã có trang Web, nhiều dịch vụ như: xin cấp giấy phép kinh doanh, làm thủ tục hải quan... được triển khai. Nhưng quá trình triển khai CPĐT ở Việt Nam thời gian qua còn chậm, thông tin trên các Website còn nghèo nàn, các dịch vụ thực hiện còn độc lập, sơ sài, đại đa số người dân Việt Nam ít được sử dụng và tiếp cận những dịch vụ công có ứng dụng CNTT. Để đảm bảo đúng lộ trình phát triển của CPĐT, mang lại hiệu quả như mong muốn là vấn đề không dễ dàng cho các nhà quản lý.
Trước tốc độ phát triển như vũ bão về CNTT trên toàn cầu như ngày nay, Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với các nhu cầu của người dân ngày càng cao. Các nhân viên làm việc trong Chính phủ muốn công nghệ giúp họ nâng cao năng suất làm việc, giảm bớt các sai sót trong quá trình tác nghiệp, đồng thời loại bỏ những công việc trùng lặp giữa các ban, ngành.
Để khắc phục phần nào những hạn chế và vướng mắc trong quá trình hoàn chỉnh xây dựng CPĐT được tốt hơn, vừa qua, Hội thảo mang tên "nâng cao năng lực của Chính phủ nhờ các hệ thống CNTT liên thông" đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Hội nghị tập trung vào việc đưa ra một số mô hình triển khai CNTT liên thông ở nhiều quốc gia khác nhau. Kinh nghiệm của Microsoft chia sẻ tại Hội thảo cho thấy, một hệ thống CNTT tương thích liên thông thành công sẽ mang lại nhiều hiệu quả như: đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ công và thông tin thuận lợi cho công dân. Khi đạt đến sự tương thích liên thông, Chính phủ sẽ làm chủ một hệ thống CNTT biến đổi linh hoạt hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và chi phí hiệu quả hơn.
Theo đánh giá của giới chuyên môn về CNTT, tính liên thông giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan Chính phủ Việt Nam hiện nay đã đạt được những kết quả ban đầu. Hiện nay, tại Việt Nam đã liên thông trong nội bộ của các hệ thống thông tin và đang tiến tới liên thông các hệ thống thông tin trên diện rộng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc liên thông, tích hợp thông tin khá phức tạp như hiện nay, đòi hỏi các cơ quan chức năng của Việt Nam vừa nghiên cứu, vừa học tập kinh nghiệm của các nước khác. Năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định về danh mục các tiêu chuẩn hệ thống CNTT, tạo cơ sở để hướng đến liên thông các hệ thống thông tin. Mặc dù đã có nhiều biện pháp đưa ra nhằm thúc đẩy liên thông các hệ thống thông tin, song để hoàn thành và đạt được kết quả như mong muốn cần phải có thời gian. Con đường để xây dựng CPĐT một cách hoàn chỉnh vẫn còn khá gian nan, song từ những dấu hiệu tích cực như trên, tin rằng CPĐT Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những kết quả tích cực hơn để hỗ trợ đắc lực không chỉ đối với công tác quản lý nhà nước mà còn với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
N. H