|
Thể thao phong trào lẫn đỉnh cao của Gia Lai không ngừng phát triển (Ảnh: minh hoạ) |
Qua 7 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010”, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh nhằm đẩy mạnh và phát triển phong trào TDTT. Nhờ các chủ trương và chính sách trên, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và công tác thể dục thể thao tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực với quy mô phát triển rộng khắp thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân và đạt được những thành tích đáng kể, cả về phong trào thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao, về tăng cường vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước đến việc huy động các nguồn lực xã hội trong tỉnh phục vụ cho sự phát triển TDTT của tỉnh Gia Lai.
Phong trào TDTT quần chúng được quan tâm và phát triển một cách sâu rộng. Hệ thống thi đấu các giải thể thao quần chúng dần được ổn định và có sự phân cấp tổ chức cho các địa phương, Liên đoàn, Hội thể thao theo hướng xã hội hóa. Tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 21,5% dân số thường xuyên tham gia tập luyện TDTT, trên 16,5% số hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình thể thao”. Nhiều mô hình TDTT quần chúng ở cơ sở đã phát huy hiệu quả tốt như: CLB văn hóa, thể thao, CLB sức khỏe ngoài trời, Cụm văn hóa - thể thao…
Thể thao thành tích cao được đầu tư theo chiều sâu, có những bước phát triển mới và đạt nhiều thứ hạng cao ở các môn như Điền kinh, Việt dã, Taekwondo, Karatedo, Vovinam - Việt võ đạo, Pencak Silat, Wushu, Võ cổ truyền… Số lượng huy chương và VĐV vào đội tuyển quốc gia, được phong cấp Kiện tướng, cấp I quốc gia tăng đáng kể qua các năm. Năm 2009, các đội tuyển của tỉnh được cử tham gia các giải thi đấu trong nước và quốc tế giành tổng số 92 huy chương các loại, trong đó có 23 HCV, 36 HCB, 33 HCĐ; có 10 VĐV được phong cấp Kiện tướng, 14 VĐV cấp I.
Công tác quy hoạch và xây dựng các công trình TDTT được tỉnh quan tâm và chỉ đạo, 100% số huyện, thị xã, thành phố có sân tập TDTT, các công trình TDTT được xây dựng gắn với trường học, điểm vui chơi giải trí. Khu liên hợp TDTT của tỉnh được quy hoạch với tổng diện tích 12,4 ha, vốn đầu tư 7 tỷ đồng; xây dựng nhà thi đấu đa năng với kinh phí 8 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2010. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại cho SVĐ tỉnh với sức chứa 15.000 chỗ ngồi, đảm bảo tổ chức các giải thi đấu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức giao lưu TDTT với các xã, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hình thức CLB, Trung tâm TDTT do các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển nhanh và đa dạng. Số giải thể thao phong trào được tổ chức mang tính xã hội hóa với kinh phí do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ tăng đáng kể từ năm 2003 -2009 từ 260 lên 410 giải. Các môn thi đấu thể thao thành tích cao như Việt dã, Quần vợt, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng đá, Võ thuật… luôn nhận được sự đầu tư, tài trợ lớn. Trong đó nổi lên một số mô hình mang tính điển hình của địa phương được các tỉnh, thành phố bạn học tập như CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Asernal JMG với cơ sở vật chất phục vụ tập luyện hiện đại, nội dung, chương trình đào tạo mang tính quốc tế.
Giai đoạn 2002-2010 đánh dấu sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của hệ thống các Liên đoàn, Hội thể thao với 11 tổ chức xã hội thể thao: Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Cầu lông, Taekwondo, Karatedo, Vovinam-Việt võ đạo, Võ cổ truyền, CLB mô tô, Cờ tướng, Hội cổ động viên Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ và những thành tích đáng ghi nhận nêu trên, công tác TDTT của Tỉnh vẫn còn một số tồn tại do nhận thức hạn chế của một số cấp ủy Đảng, chính quyền dẫn đến sự thiếu quan tâm chỉ đạo về công tác TDTT. Công tác tuyên truyền TDTT chậm đổi mới cả về nội dung và hình thức, khiến phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đều, chất lượng chưa cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số người luyện tập TDTT thường xuyên nhất là thanh thiếu niên trong thời gian qua có tăng nhưng vẫn còn thấp so với dân số của tỉnh và chỉ tập trung ở vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, thành tích của thể thao đỉnh cao chưa có bước đột phá và thật sự bền vững; chính sách phát hiện, đào tạo tài năng và ứng dụng khoa học trong tập luyện, thi đấu còn hạn chế. Nhiều tổ chức xã hội về TDTT hoạt động còn mang tính hình thức, xã hội hóa thể thao chưa mạnh, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng.
Để phong trào TDTT phát triển và đạt những thành tích cao hơn trong thời gian tới, ngành TDTT Gia Lai đã đưa ra một số giải pháp thiết thực như: Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác TDTT; Các địa phương, đơn vị có quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT, dựa trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, đặc biệt là các quy hoạch về đất, công trình TDTT phục vụ nhu cầu luyện tập và thi đấu của quần chúng nhân dân; Tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào TDTT ở những vùng, khu vực khó khăn và các đối tượng chính sách để đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình hưởng thụ văn hóa tinh thần các hoạt động TDTT; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia, hưởng ứng các hoạt động TDTT; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"...
Việt Dũng