Nếu như ngày nay mọi sự chuẩn bị cho World Cup của các ĐTQG được triển khai đến “tận răng”, thì trong quá khứ, có những sự chuẩn bị qua loa và dẫn đến những thay đổi mà sau này ăn sâu vào ký ức của khán giả. Áo đấu là một phần trong số đó.
Giai thoại Mexico
Mexico 1970 là kỳ World Cup mà các đội đều lo ngại nhiệt độ và khí hậu ẩm thấp của nước đăng cai. ĐT Anh, dù vô địch năm 1966 với chiếc áo đỏ, đã chuyển sang tông trắng toàn tập khi đến Mexico. Và khi không dùng bộ đồ trắng, họ dùng bộ đồ màu xanh da trời, thứ đồng phục kỳ lạ mà trước đó khán giả Anh chưa từng nhìn thấy ở đội tuyển.
Lý do là bởi hai tông màu trắng và xanh da trời sẽ giúp các cầu thủ dễ nhìn thấy nhau hơn khi thi đấu trong cái nắng gay gắt của Mexico. Bộ áo đỏ quần trắng bị đẩy xuống làm lựa chọn thứ ba. Điều trớ trêu là ở trận cuối vòng bảng gặp Tiệp Khắc, các cầu thủ Anh ra sân trong màu áo xanh nhưng lại đụng phải các cầu thủ Tiệp Khắc mặc áo trắng, và do đó tuyển Anh không phân biệt được ai là ai khi nắng lên.
Maradona mặc chiếc áo rẻ tiền mua ở chợ khi ghi bàn thắng “Bàn tay của Chúa”
Không những vậy, đa số khán giả thế giới vẫn theo dõi qua màn hình đen trắng, do đó họ không thể nào phân biệt được cầu thủ Anh với cầu thủ Tiệp Khắc. Khi gặp Tây Đức ở tứ kết, HLV Sir Alf Ramsey cho các cầu thủ mặc áo đỏ, nhưng họ không chịu nổi cái khí trời nóng lên đến gần 38 độ C ở thành phố Leon và đã thua 2-3 trong hiệp phụ.
16 năm sau, Mexico lại đăng cai World Cup. Lúc này tivi màu đã phổ biến, nhưng vấn đề với ánh nắng và độ ẩm vẫn chưa được giải quyết. Khi Argentina đánh bại Uruguay 1-0 ở vòng 1/8, HLV Carlos Bilardo đã có lúc nhìn nhầm cầu thủ đội mình là đối phương trong bộ áo màu xanh sọc trắng theo màu quốc kỳ (Uruguay thi đấu với bộ áo xanh đậm). Bilardo sau đó yêu cầu người làm áo của ĐT may gấp các bộ có màu nhạt hơn để ông dễ nhìn, thế nhưng việc này là bất khả thi vì chỉ 3 ngày nữa là tứ kết.
Bí thế, Bilardo bảo một trợ lý ra phố lùng mua áo đấu. Vị trợ lý này mang về hai cái áo xanh khác nhau, Bilardo không chọn được cái nào. Cuối cùng, Diego Maradona bước vào phòng, chỉ tay vào một chiếc rồi nói: “Chiếc này đẹp đấy. Chúng ta sẽ mặc áo này để đánh bại ĐT Anh!”.
Nói cách khác, khi chúng ta chứng kiến Diego Maradona dùng tay để lừa trọng tài và sau đó ghi “Bàn thắng của Thế kỷ” vào lưới Peter Shilton, chiếc áo mà Diego mặc là loại áo được bán trong một cửa hàng nằm trong con ngõ nhỏ ở thành phố Mexico.
Đi mượn áo
Hầu hết chúng ta đều biết biệt danh “Les Bleus”, bởi ĐT Pháp luôn mặc áo xanh da trời màu đậm. Nhưng có một thời mà họ còn có đồng phục thứ hai là áo trắng và quần xanh, thứ đồng phục mà phải đến chừng những năm 1990 mới biến mất.
Đã chắc chắn bị loại ở vòng bảng World Cup 1978, Pháp và Hungary đá nốt trận cuối để xong thủ tục. Nửa tiếng trước giờ khai cuộc, tiền vệ Henri Michel nhận ra rằng trong đường hầm, các cầu thủ Hungary đều đang mặc áo trắng. Michel sau đó mới biết, người giám sát của đội tuyển Pháp đã quên không đọc lưu ý của FIFA rằng Hungary sẽ mặc áo trắng còn Pháp mặc áo xanh.
Vấn đề là áo xanh của Pháp đã bị để lại Buenos Aires, cách địa điểm thi đấu ở Mar del Plata những 400km. Chỉ có tạm hoãn trận đấu là phương án duy nhất, tuy nhiên đúng lúc này có một xe cảnh sát được huy động đi thẳng tới trụ sở của CLB Atletico Kimberley. CLB này hiến tặng bộ áo trắng sọc xanh lá cây của mình để ĐT Pháp mặc, cho dù số lượng chỉ là 16 chiếc. Trung phong Dominique Rocheteau, một trong những người ghi bàn vào lưới Hungary hôm đó (Pháp thắng 3-1), mặc một bộ đồ cọc cạch với quần số 18, áo số 7.
Một số trường hợp phải đi mượn áo cũng đã diễn ra trước đó. Argentina đá ở World Cup 1958 mặc áo vàng của CLB IFK Malmo (Thụy Điển), trong khi Mexico không có áo xanh lá cây và phải mượn tạm bộ màu xanh da trời sọc trắng của Cruzeiro ở Brazil 1950. Một câu chuyện khôi hài diễn ra ở World Cup 1930, đó là Bolivia ra sân thi đấu với bộ áo trắng lạ hoắc, trên ngực áo có một chữ cái viết hoa. Người ta không biết bộ áo này đến từ đâu, cho tới khi các cầu thủ Bolivia xếp hàng để chụp ảnh và các chữ trên ngực áo ghép lại thành “Viva Uruguay”.