Quý IV năm 2005, Ban điều hành Chương trình đã triển khai việc điều tra khảo sát thực trạng công tác TDTT tại 49 đơn vị hành chính cấp xã của 15 tỉnh đại diện cho 7 cụm tỉnh về TDTT, bao gồm: Yên Bái, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Dương, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Qua công tác khảo sát nhận thấy: hàng năm các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện, nhiều môn được nhan dân ham thích tập luyện như: Đi bộ, thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng đá, Kéo co và Võ dân tộc. Tuy nhiên, kinh phí dành cho hoạt động TDTT ở các xã rất thấp, trong khi công tác xã hội hoá gặp nhiều khó khăn, mức độ tài trợ và đầu tư còn hạn chế, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và ngành thì không được triển khai đầy đủ xuống các xã; số lượng CLB TDTT còn chưa nhiều, chưa đủ làm nòng cốt để thúc đẩy phong trào thể thao cơ sở.
|
Các hoạt động thể thao quần chúng ngày càng
phong phú, sôi nổi (Ảnh:PV ) |
Một thực tế khác cho thấy các xã hầu như không có các tổ chức, bộ máy (duy chỉ có Bến Tre thành lập được Hội đồng TDTT ở tất cả các xã); không có các cán bộ chuyên trách về TDTT, chủ yếu được điều chuyển từ những lĩnh vực khác sang nên không am hiểu về TDTT hay có trình độ, hiểu biết về lĩnh vực này. Thêm vào đó, hệ thống cơ sở, vật chất, sân bãi phục vụ cho TDTT cũng không đảm bảo được yêu cầu... đã làm hạn chế đáng kể sự phát triển phong trào TDTT trên cả nước nói chung và những tỉnh Nam trung bộ nói riêng.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Chương trình, phong trào phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đã có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả khả qua. Tiêu biểu trên 4 mặt hoạt động:
Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành hoạt động TDTT
Các tỉnh đã xây dựng bộ máy TDTT theo nhiều mô hình khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: 5.148 Ban Văn hoá xã hội (đạt tỷ lệ khoảng 50% trên tổng số xã, phường, thị trấn trên cả nước so với tỷ lệ là 20% trước khi thực hiện Chương trình); 2.672 Nhà Văn hoá, TDTT (đạt tỷ lệ khoảng 25,5% trên tổng số xã, phường, thị trấn trên cả nước); 463 Trung tâm TDTT (đạt tỷ lệ khoảng 5% trên tổng số xã, phường, thị trấn trên cả nước); 1.589 Hội đồng TDTT (đạt tỷ lệ khoảng 15% trên tổng số xã, phường, thị trấn trên cả nước so với tỷ lệ là 10% trước khi thực hiện Chương trình) và 6.621 CLB TDTT (đạt tỷ lệ khoảng 63% trên tổng số xã, phường, thị trấn trên cả nước so với tỷ lệ là 12% trước khi thực hiện Chương trình).
Xây dựng phong trào TDTT ở cơ sở
Các tỉnh đã chú trọng hướng các hoạt động TDTT về cơ sở cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ, khối phố; huy động các đối tượng quần chúng nhân dân tham gia hoạt động TDTT. Tỷ lệ người tập thường xuyên và gia đình thể thao tăng lên hàng năm (năm 2007 cả nước đạt 21,5% dân số và 15,4% số hộ gia đình đến năm 2009, trung bình số người tập luyện thường xuyên đã đạt khoảng 25% so với năm 2003 trước khi thực hiện Chương trình là 17,4%); số hộ gia đình thể thao đạt 15,8%; số lớp tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên do các xã mở là 681 lớp cho 16.624 người tham dự; số giải các môn thể thao được tổ chức tại các xã, phường, thị, trấn là 26. 159 (đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn đều tổ chức các giải thể thao hàng năm)
Xây dựng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT
Năm 2005 cả 64 tỉnh đều cử cán bộ Phòng Nghiệp vụ Sở, các phòng Văn hoá thông tin - thể thao huyện và trưởng ban văn hoá xã điểm dự các lớp tập huấn do Ban điều hành Chương trình Trung ương mở ở 8 cụm tỉnh (tổng số 325 người). Năm 2006 cả 64 tỉnh, thành đều cử cán bộ ở mỗi thôn, bản (trong mỗi xã điểm) tham dự lớp tập huấn do Ban điều hành Chương trình Trung ương mở ở 8 cụm tỉnh (tổng số 885 người). Năm 2006 và 2007, hầu hết các tỉnh tự mở lớp bồi dưỡng tập huấn cộng tác viên. Điển hình là Thái Bình đào tạo 295 người ở 295 xã, phường, thị trấn (đạt 100%)
Xây dựng cơ sở vật chất TDTT
Nhiều tỉnh đã triển khai và hoàn thiện việc quy hoạch đất dành cho TDTT. Tính đến nay, số bình quân mới đạt 1,7m2/người; ngân sách hàng năm cấp cho hoạt động thể thao cấp xã là khoảng 20 triệu đồng; kinh phí tài trợ cho hoạt động thể thao bình quân 1 xã là từ 1 - 3 triệu đồng; kinh phí các tỉnh dành cho việc triển khai Quyết định 100 là khoảng 9,1 tỷ đồng; kinh phí cho việc đầu tư cơ sở vật chất là vào khoảng 37 tỷ đồng (theo báo cáo năm 2010 của 54 tỉnh, thành).
Phát huy những thành tựu đạt được, để thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn trong giai đoạn tiếp theo, Ban chỉ đạo, điều hành Chương trình đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Và việc đẩy mạnh những nhiệm vụ này cần thiết phải gắn liền với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Luật TD, TT và Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020.
Xuân Nhi