Tìm hiểu mới thấy, mô hình xã hội hóa thể thao tại Gia Lai không giống với nhiều địa phương khác.
1. Ông Nguyễn Hồng Thanh- Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA) cho biết, tất tần tật mỗi năm lò bóng đá nơi đây ngốn hết khoảng 30 tỷ đồng, trong đó riêng ngân sách tỉnh cấp cho chúng tôi là 20 tỷ đồng (chiếm 2/3 tổng kinh phí hoạt động trong một năm).
Ở mặt bằng chung tại giải vô địch quốc gia, SLNA lâu nay được coi là một trong số những đội bóng nghèo nhất về mặt tiền bạc. Nhưng nhờ mô hình xã hội hóa theo kiểu Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, nên hiện nay đây là đội bóng có thâm niêm thi đấu lâu năm nhất ở V.League mà chưa từng bị rớt hạng lần nào, mặc dù sau mỗi mùa giải có không ít cầu thủ thuộc diện ngôi sao được phép chuyển nhượng đi thi đấu cho đội bóng khác.
Nhờ nguồn kinh phí ổn định, có sự ràng buộc chặt chẽ giữa công-tư, nên hiện nay lò đào tạo bóng đá SLNA thường xuyên có đủ tất cả các tuyến trẻ (từ U11 cho đến U21), tham gia thi đấu đầy đủ tất cả các giải trẻ trong năm do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Đây có thể xem là “nguồn mạch bất tận”, góp công lớn giúp cho đội một SLNA có vị thế đáng nể như hiện nay.
2. Một thời mô hình bóng đá Đồng Tâm Long An (ĐT.LA) có không ít điểm na ná như HA.GL của bầu Đức, nghĩa là doanh nghiệp phải tự thân vận động gần như mọi chuyện. Nhưng kể từ 3 năm trở lại, CLB ĐT.LA nhận được sự “chia lửa” từ ngành thể thao nơi đây. Cụ thể Nhà nước chịu trách nhiệm chi tiền, cử huấn luyện viên, tuyển chọn và đào tạo lứa cầu thủ U11, U13, U15. Kể từ lứa U17 trở lên, lúc đó mới chuyển giao sang cho ĐT.LA.
Ông Võ Thành Nhiệm- Chủ tịch CLB ĐT.LA cho biết: “Trước đây chúng tôi phải tự bươn chải lo mọi thứ. Sau một thời gian tìm hiểu được biết từ Hà Nội T&T, Hải Phòng, Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng, SLNA, Đồng Tháp… hầu như đội bóng nào cũng có sự tiếp sức về mặt kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương. Nhờ chuyển đổi một phần mô hình xã hội hóa bóng đá, do đó ĐT.LA mới có thành tích tương đối ổn định như hiện nay”.
Cầu thủ HAGL (trái) đang đuối sức ở V.League
Khán đài VIP SVĐ Pleiku thường xuyên trống hoắc
3. Bóng đá là vậy, bóng chuyền thì sao? HLV trưởng đội Sanest Khánh Hòa- ông Triệu Tử Thiên tiết lộ: “Sanest Khánh Hòa là đội bóng vận hành theo mô hình Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Ngành thể dục thể thao trả lương cho huấn luyện viên và cầu thủ theo đúng chế độ qui định của nhà nước. Vì số tiền này thấp nên Sanest hỗ trợ trả thêm lương, thưởng, kinh phí thi đấu, tập huấn cho toàn đội. Tính ra kinh phí nhà nước bỏ ra cho đội bóng hoạt động chiếm khoảng 25% đến 30% trong một năm. Nói thêm rằng, không phải doanh nghiệp không đủ tiền để bao trọn gói cho cả đội bóng, nhưng suy đi tính lại, muốn phát triển một cách bền vững cả hai phía cùng phải có trách nhiệm góp công, góp của xây dựng sự nghiệp chung”.
Trong khi đó tại Gia Lai, hiện nay bóng chuyền ĐLGL và bóng đá HA.GL, từ con người đến kinh phí, từ khâu đào tạo trẻ đến huấn luyện thi đấu, tất cả đều do bầu Pháp và bầu Đức lo trọn gói.
Mới đăng quang vô địch cách đây 2 năm, hiện nay bóng chuyền ĐLGL đối diện nguy cơ rớt hạng
Một mặt phải lo nhiều thứ trên thương trường, mặt khác một mình ôm trọn gói công việc “sở đoản” trong lĩnh vực thể thao. Như một lữ khách độc hành không bị ràng buộc một ai, họ có thể tăng ga, giảm ga, rẽ trái phải hoặc quay lại nơi xuất phát… mà không tiếc nuối.
Bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, võ thuật… đã góp một phần không nhỏ làm nên thương hiệu cho tỉnh Gia Lai như ngày hôm nay. Và khi những môn thể thao này đang gặp khó khăn, lẽ nào lãnh đạo địa phương này không tìm cách vực dậy?
Đừng để niềm kiêu hãnh của người hâm mộ thể thao Phố núi tiếp tục bị tổn thương!
Theo thethaovietnam.vn