Được tổ chức không ngoài mục đích tăng cơ hội cọ xát cho các VĐV trẻ và kiểm tra trình độ của các VĐV tham dự Olympic, giải Vô địch Wushu toàn quốc lần thứ 14 năm 2008 được tổ chức tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức đã kết thúc, thu được nhiều thành công về mặt chuyên môn và công tác tổ chức, điều hành giải.
So với năm ngoái, giải năm nay thu hút số VÐV tham dự đông hơn (270 VÐV tới từ 30 đoàn), điều đó không chỉ cho thấy sự phát triển rộng hơn của môn võ này mà còn khẳng định Wushu là môn thể thao rất phù hợp với người dân Việt Nam. Vì vậy, nhiều địa phương đã coi Wushu là một trong những môn thể thao thế mạnh được đầu tư. Nếu trước kia, các tỉnh phía Bắc có số lượng VĐV Wushu đông hơn thì nay, tại các tỉnh phía Nam bản đồ phát triển môn Wushu đã được nhân rộng với những địa phương mới như: Bến Tre, Cần Thơ, Tây Ninh, Đắk Lắk...
Hơn nữa, khác với thời gian trước, khi các đơn vị phải gửi quân lên Hà Nội tập luyện để có điều kiện phát triển tốt hơn, thì nay số lượng này đã giảm đi đáng kể và các địa phương đã dần đầu tư toàn diện để có đủ điều kiện phát triển môn này. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho những nhà quản lý, bởi từ nay lực lượng trẻ của phong trào Wushu đã ngày càng được bổ sung và tăng cường, vấn đề về lực lượng kế cận cùng đã được giải quyết và không đáng lo ngại như nhiều môn thể thao khác.
Chưa hết, trình độ chuyên môn của lực lượng trẻ đều được đảm bảo và thể hiện rất tốt qua giải đấu. Bên cạnh sự ổn định và vượt trội của các VĐV tuyển quốc gia như: Vũ Thuỳ Linh, Vũ Trà My, Trần Đức Trọng, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thuý Ngân, Lương Thị Hoa, Trương Trọng Đỏ (đều giành HCV tại giải), những gương mặt mới gồm: Dương Thúy Vi, Thanh Tùng (Hà Nội), Hoàng Nam (Tp.Hồ Chí Minh) và các võ sĩ thi đấu đối kháng như Nguyễn Văn Tuấn (Bộ Công an), Dương Thị Hoàng (Thái Nguyên), Ðỗ Thế Vũ (Đắk Lắk), Huỳnh Trang (Nghệ An) đã đạt được thành tích ấn tượng và là sự lựa chọn tốt nhất cho giải Châu Á vào cuối năm nay của Wushu Việt Nam.
Do áp dụng thi bài tập độ khó ở cả 3 nội dung: trường quyền, nam quyền và thái cực quyền, nhất là ở nội dung thái cực quyền, các VĐV phải thi đấu dưới nền nhạc, giải đấu đã thực sự thu hút khán giả và giúp các VĐV làm quen với hình thức thi của các giải đấu quốc tế. Đây có thể nói là kết quả tích cực nhất về mặt chuyên môn từ giải đấu, bởi các bài với độ khó cao không những góp phần nâng cao tính cạnh tranh giữa các đơn vị mà còn đòi hỏi mỗi VĐV phải có sự sáng tạo và ổn định cao hơn về trình độ.
Nói về công tác tổ chức giải, ông Bùi Trường Giang - Trưởng Bộ môn Wushu Tổng Cục TDTT cho biết: "Giải đấu đã bước sang lần thứ 14 nhưng chủ yếu được tổ chức tại Hà Nội nên công tác tổ chức, điều hành giải diễn ra rất tốt và không có trở ngại nào. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, bản thân tôi thấy rất mừng vì điều này, nhưng một hạn chế cần nhìn nhận là các giải đấu Wushu chỉ có thể tổ chức ở Hà Nội mới đạt được kết quả như vậy, đơn giản bởi đơn vị này có hệ thống cơ sở vật chất (cụ thể là thảm đấu) đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nếu các địa phương cũng có điều kiện như vậy, chắc chắn các công tác tổ chức giải và nhân rộng phong trào sẽ đạt được kết quả cao hơn".
Xuân Nhi