Cùng với các hoạt động văn hoá, du lịch, năm 2008 phong trào TDTT tỉnh Ninh Bình tiếp tục có những bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Theo số liệu thống kê, các chỉ số về TDTT quần chúng đều có sự tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 24% dân số (2007 đạt 23%), số hộ gia đình thể thao là 20% (2007 là 18%), công tác giáo dục thể chất trong các trường học luôn được quan tâm. Số CLB TDTT cũng tăng lên đáng kể, với trên 500 CLB TDTT hoạt động thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy sự nghiệp TDTT của tỉnh nhà.
Với một hệ thống các giải thi đấu thể thao hoàn chỉnh từ cơ sở đến cấp tỉnh được tổ chức hàng năm, đã thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân. Trên 1.000 các giải thi đấu thể thao được tổ chức, không chỉ nhằm thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT Ninh Bình mà còn mang lại những giá trị tinh thần cho người dân trong tỉnh.
Ngoài những môn thể thao được nhiều người yêu thích như: Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền... một số môn như Quần vợt, Khiêu vũ thể thao, Đi bộ cũng ngày càng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện rất tích cực và trở thành phong trào rộng khắp. Sự tăng thêm về số lượng các môn thể thao, cũng như các nội dung thi đấu phong phú đã phần nào đáp ứng nhu cầu tập luyện của từng đối tượng trong xã hội: từ thanh thiếu niên, phụ nữ, nông dân, người cao tuổi...
Đặc biệt, công tác đào tạo VĐV được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển TDTT của tỉnh, nhất là khi có sự hợp nhất của các lĩnh vực văn hoá và du lịch. Các lớp năng khiếu ở các môn như: Cờ vua, Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền... luôn thu hút đông đảo học viên tham gia, nhất là học sinh. Chỉ tính riêng năm 2008, đã có gần 200 VĐV các tuyến được đào tạo. Đây là lực lượng quan trọng bổ sung vào đội tuyển của tỉnh tham dự các giải quốc gia và quốc tế. Đoàn VĐV đỉnh cao của Ninh Bình đã giành 85 huy chương các loại, trong đó có 13 huy chương quốc tế, 46 huy chương thể thao thành tích cao và 26 huy chương thể thao quần chúng. Kết quả này còn khá khiêm tốn so với nhiều địa phương khác trên cả nước, song đó là thành quả của cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, CNVC ngành VH,TT&DL Ninh Bình.
Song song với những hoạt động trên, công tác đào tạo HDV, CTV, Trọng tài cấp xã, phường cũng được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong việc tổ chức, điều hành các giải thi đấu thể thao của từng địa phương. Việc quy hoạch đất dành cho các hoạt động TDTT theo Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 145/147 xã, phường, thị trấn đã có quy hoạch đất dành cho các hoạt động TDTT. Trong đó, có gần 1/3 trong tổng số xã, phường, thị, trấn đã, đang xây dựng các công trình TDTT như: sân bóng đá, nhà tập TDTT đa năng... điển hình như các xã: Gia Thịnh, Gia Phú, Quảng Lạc... Đa phần các công trình thể thao công cộng được quy hoạch ở khu vực trung tâm, diện tích tối thiểu là 6.000 m2, thuận tiện cho nhu cầu luyện tập TDTT, vui chơi của người dân địa phương…
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, Sở VH,TT&DL Ninh Bình đã đề ra một số giải pháp nhằm từng bước đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Phê duyệt quy hoạch và chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, điểm vui chơi cho trẻ em ở cấp xã, phường, thị trấn đến năm 2010; thành lập các Liên đoàn thể thao ở các môn thế mạnh như: Bóng bàn, Bóng chuyền... ; chỉ đạo tổ chức tốt Đại hội TDTT cấp xã, phường, thị trấn tiến tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010.
Việt Dũng