Được năn nỉ mãi, rồi cũng nể tình và vẫn còn quá đam mê bóng đá, bầu Đức mới chịu ngồi vào chiếc ghế Phó Chủ tịch VFF. Khi ông đưa các cầu thủ trẻ của Học viện HA.GL làm nòng cốt cho U.19 Việt Nam, còn bị mang tiếng là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thậm chí còn cho rằng ông phó chủ tịch mượn danh đội tuyển để đánh bóng cho tên tuổi “lò” mình.
Bầu Đức có hối hận?
“Tôi chưa từng làm phó ai, nhưng vì bóng đá, tôi sẵn sàng làm phó cho anh Thắng”, đó là tuyên bố đúng khẩu khí của bầu Đức cái ngày thành lập VPF. Cũng thời điểm đó, bầu Đức cũng khẳng định một câu xanh rờn: “HA.GL có thể không còn đá chuyên nghiệp nhưng tôi thì không bao giờ bỏ bóng đá. Nó đã trở thành máu rồi”.
Chính khẩu khí đó là lý do người ta cố tình mời ông làm Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7. Bầu Đức đương nhiên là không bao giờ quan tâm đến vị trí này, chưa kể việc phải “áo mũ chỉnh tề” luôn là điều khiến ông khó chịu nhất. Tuy nhiên, hồi đó người ta năn nỉ dữ quá, đơn giản vì chiếc ghế phó chủ tịch tài chính không quan trọng đối với bộ máy VFF nhưng nếu ngồi lên đó là một người như bầu Đức thì tự nhiên dàn lãnh đạo VFF khóa 7 sẽ “sáng bừng” ngay. Uy tín của Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng tăng vọt nhờ sự tham gia của bầu Đức.
Không nằm ngoài dự đoán, bầu Đức chẳng liên quan gì đến VFF cả. Việc duy nhất mà ông làm sau hơn 1 năm của nhiệm kỳ đó là “bao trọn gói” cho đội U.19 suốt năm 2014, đó cũng là điểm sáng lớn nhất của VFF khóa 7 cho đến thời điểm này. Ấy vậy nhưng, chính bầu Đức lại là người thiệt thòi nhất khi đội HA.GL của ông hiện đang đứng áp chót bảng xếp hạng và được cho là không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ những người làm bóng đá dù chính HA.GL đã ghi công trong việc đưa khán giả trở lại với V-League.
Liệu bầu Đức có hối hận không? Và liệu sẽ có một lá đơn từ nhiệm trong đợt đại hội thường nhiên VFF sắp đến?
Cô đơn như bầu Đức
HA.GL không có sự chia sẻ tại V-League thì chẳng nói làm gì, nhưng chính bầu Đức cũng chẳng thể tìm được tiếng nói chung với những người làm bóng đá Việt Nam hiện tại. HA.GL đưa toàn bộ các cầu thủ U.19 lên đá V-League, tưởng là “kích động” những đội khác cũng làm như họ, tức là đưa cầu thủ trẻ vào đá nhiều hơn. Tuy nhiên, cứ nhìn đội U.23 của HLV Miura thì biết, đa số cầu thủ đều đến từ các đội bóng địa phương có truyền thống chứ những đội thuộc doanh nghiệp thì “vũ như cẩn”. Nhìn xuống các giải trẻ U.21, U.19, U.17, vẫn loanh quanh cuộc chiến giữa các lò đào tạo trẻ, hoàn toàn không thấy bóng dáng của các tuyến kế thừa những đội hàng đầu V-League. Bầu Đức làm bóng đá tính đến nay cũng gần 15 năm nhưng rõ ràng, ông vẫn cô đơn. May ra, có bầu Hiển của HN T&T là cùng chí hướng.
Nhưng cái chính là bầu Đức cô đơn ngay trong “ngôi nhà VFF” của mình. Ông đã cố gắng chứng minh, đưa các cầu thủ U.23 đá V-League là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, VFF chưa từng có một quy định nào buộc các CLB phải sử dụng cầu thủ trẻ do mình đào tạo. Họ vẫn cố gắng duy trì đến 14 đội V-League bất chấp 2/3 các CLB không có khả năng đào tạo trẻ hoặc chỉ tổ chức các tuyến U một cách chiếu lệ. Việc bầu Đức bỏ giải U.19 không cử đội tham gia cũng chẳng thấy ai nói gì, đơn giản vì đa số các CLB cũng chẳng quan tâm đến các giải trẻ. VFF thì lại càng không muốn tạo ra rắc rối với các CLB.
Những nỗ lực của bầu Đức, sự dũng cảm của HA.GL, rốt cục chỉ như đá ném ao bèo. Họ cô đơn đến mức không còn biết than trách với ai, đành cho rằng trọng tài không đứng về phía họ.
Theo thethaovietnam.vn