Ngày thi đấu thứ 2 Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc đã diễn ra với những môn thi: Bóng đá, Bóng chuyền, Tung còn, Đẩy gậy và Bắn nỏ. Ngay từ đầu buổi sáng, các VĐV Tung còn đã tập trung ở SVĐ Thái Nguyên để khởi động. Từng quả còn bay qua, bay lại như những cánh bướm đầy màu sắc rực rỡ. Nếu không có bàn trọng tài trên sân, không có những tấm thẻ được các VĐV mang trên người thì sẽ nghĩ đó là các chàng trai, cô gái xúng xính trong những tà áo dân tộc đang cùng nhau mở hội đầu xuân.
Ngược lại với môn Tung còn mang nhiều sắc màu văn hóa truyền thống, môn Đẩy gậy lại chứng tỏ khả năng sức mạnh của mỗi một VĐV. Không rực rỡ trong những trang phục dân tộc đẹp mắt, không có những cú suýt xoa khen ngợi những cú tung còn chính xác, các VĐV Đẩy gậy tập trung toàn bộ sức mạnh của mình vào từng động tác, tư thế thi đấu trong tiếng cổ vũ sôi động của khán giả.
Có thể nhận thấy sự nỗ lực của các VĐV trong mỗi trận đấu. Những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt sạm đen vì nắng gió của mỗi VĐV, nhưng tất cả đều tràn ngập trong tình đoàn kết hữu nghị. Bởi các VĐV luôn xác định Hội thi là cơ hội để tìm hiểu những nền văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, cũng như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm rèn luyện thân thể.
VĐV Nguyễn Thị Liên, dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang, tham dự môn Tung còn và Kéo co không giấu được niềm vui của mình: “Tôi đã nghĩ mình chẳng bao giờ có cơ hội được ra khỏi tỉnh. Nhờ có Hội thi mà tôi được đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều người, tôi vui lắm. Đây là cơ hội để những người dân tộc thiểu số như chúng tôi được thi đấu, thể hiện tài năng ở những môn thể thao dân tộc.”
Dù không có cùng trang phục, văn hóa hay ngôn ngữ, nhưng mỗi người tham dự Hội thi đều có chung một mục tiêu phấn đấu. Đó là cùng nhau bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc thể thao, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Kết thúc ngày thi đấu thứ 2, ở môn Bắn nỏ nội dung đứng bắn cá nhân nam: nhất : Lò Văn Thuận (Sơn La), nhì: Hà Văn Hợp (Phú Thọ), ba: Đàm Văn Trọng (Thái Nguyên). Nội dung đứng bắn cá nhân nữ: nhất: Lưu Thị Bích Ngọc (Vĩnh Phúc), nhì: Lò Thị Biêng (Điện Biên), ba: Chu Thị Út (Thái Nguyên).