Ngôi sao 28 tuổi ấy đang là nữ kỳ thủ số 1 Việt Nam, với vị trí thứ 75 trên bảng xếp hạng thế giới.
Thảo Nguyên dành cho Nhân Dân cuối tuần một cuộc trò chuyện ngắn và thú vị, sau khi vừa xuất sắc giành quyền tham dự Giải vô địch cờ vua thế giới (World Cup) nữ duy nhất của khu vực.
Hành trình 23 năm
- Đã từng vô địch châu Á và SEA Games, nhưng đây mới là lần đầu Thảo Nguyên đoạt vé tham dự World Cup, và lại là đại diện duy nhất của khu vực Đông - Nam Á, đúng không nhỉ?
- Phải nói rằng "chiến tích" này vô cùng đặc biệt với tôi. Cuối cùng, tôi đã hoàn thành mục tiêu vươn tới một tầm cao, sau vài lần để lỡ. Một giấc mơ đã theo tôi suốt cả 23 năm theo nghiệp cờ, từ khi còn là một cô bé năm tuổi.
- Người ta vẫn gọi Thảo Nguyên là "ngôi sao nở muộn". Mãi năm 2008, khi đã 21 tuổi, chị mới thật sự bắt đầu xuất hiện với ngôi vô địch quốc gia. Vì sao vậy?
- Đơn giản thôi mà. Có một thời gian tương đối dài, bên cạnh việc chơi cờ, tôi ưu tiên tập trung cho việc học văn hóa tại Khoa Marketing trường Đại học Cần Thơ.
Nói thật, khi tốt nghiệp, tôi đã phải lựa chọn đầy khó khăn, giữa nghiệp cờ và con đường kinh doanh cũng khá triển vọng. Thật may mắn, đam mê đã kịp giữ tôi ở lại với những quân cờ. Để rồi, chỉ sau 5 năm, tôi đã đạt được gần như tất cả những gì mà trước đó còn nghĩ là rất xa vời.
- Nhưng trong thành công của Nguyên, câu chuyện đâu chỉ đơn giản là một sự lựa chọn? Có nhiều người chơi cờ cả đời cũng không thành tài...
- Sự lựa chọn đó giống như một bước ngoặt để mình dốc hết tâm sức cho nghiệp cờ. Còn tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là khả năng và sự phấn đấu nỗ lực của bản thân.
Giờ, tấm bằng cử nhân vẫn cất kỹ sau tám năm, nhưng chính những trải nghiệm để có được nó đã giúp tôi rất nhiều trong tập luyện, thi đấu, nhất là về tư duy và bản lĩnh.
Tình yêu không khoan nhượng
- "Dân cờ" cùng người hâm mộ đã đề cập rất nhiều, trong sự ngưỡng mộ, về mẫu hình đẹp của bộ đôi Thảo Nguyên - Trường Sơn.
Được biết là hai bạn hiện đã đính hôn và sắp về chung một nhà. Thảo Nguyên có thể chia sẻ một chút về "ý trung nhân" Nguyễn Ngọc Trường Sơn, trên góc độ chuyên môn?
- Sơn là đối thủ, và phần nào đó giống như một huấn luyện viên của tôi. Kể từ khi lên tập huấn đội tuyển quốc gia rồi yêu Sơn, tôi đã có riêng một đối thủ để tập luyện ở đẳng cấp quốc tế.
Thật ra, về thâm niên tập huấn ĐTQG, thi đấu quốc tế, tôi xuất phát sau Sơn tới cả chục năm. Chính vì thế, tôi đã học hỏi được từ "đối thủ - thầy riêng" này rất nhiều. Ngược lại, tôi nghĩ mình cũng có những sự hỗ trợ trở lại nhất định với Sơn. Riêng ở nghiệp cờ, chúng tôi đều quyết liệt và rõ ràng lắm, xác định cái gì cũng phải đi tới cùng. Mọi người có thể thấy, Nguyên và Sơn đều đã vài lần chạm trán trực tiếp tại các giải đấu không phân biệt nam nữ, và Sơn từng mất chức vô địch vì để tôi cầm hòa đấy (cười)!
- Chắc hẳn Nguyên đang ấp ủ rất nhiều dự định lớn cho nghiệp cờ.
Từ góc độ của mình, chị đánh giá như thế nào về cờ vua nữ Việt Nam?
- Từ lâu, tôi đã xác định cờ vua là nghiệp đời của mình rồi. Trước hết sẽ tập luyện thi đấu đỉnh cao thêm nhiều năm nữa, rồi chuyển sang làm huấn luyện viên. Dự định ấp ủ của tôi thì nhiều lắm, với quyết tâm mình phải tiếp tục nâng cao thứ hạng và thành tích. Song, điều quyết định là thực hiện như thế nào.
Theo tôi, cờ vua nữ Việt Nam đang dẫn đầu Đông - Nam Á, ở nhóm hàng đầu châu Á, và tiếp cận với thế giới. Chúng ta rất có tiềm năng vươn cao, từ nền tảng phong trào lẫn các kỳ thủ mũi nhọn. Tuy nhiên, ngay cả các tuyển thủ quốc gia cũng rất ít có cơ hội xuất ngoại tập huấn dài hạn, thi đấu tại các giải quốc tế tầm cỡ, và làm việc với các chuyên gia giỏi. Trở ngại lớn nhất vẫn là vấn đề kinh phí. Đó thật sự là một điều thiệt thòi của chúng tôi.
- Xin cảm ơn Thảo Nguyên về cuộc trao đổi này. Chúc Nguyên tiếp tục thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
theo nhandan.com.vn