Đoàn thể thao Saint Lucia đã gây tiếng vang lớn tại Thế vận hội mặc dù họ đến với Olympic Paris 2024 chỉ với 5 VĐV.
Hơn 70.000 khán giả trên sân vận động Stade de France đã chứng kiến khoảnh khắc Julien Alfred bứt tốc và đoạt HCV nội dung 100m nữ một cách ngoạn mục. Con số khán giả trên đã gần bằng một nửa dân số quê hương của Julien - Saint Lucia.
Có lẽ hầu hết người Việt chỉ mới lần đầu nghe đến tên quốc gia này. Saint Lucia là một quốc gia nhỏ bé nằm ở vùng Trung Mỹ - Caribbean, với diện tích 600 km2 và dân số khoảng 170.000 người. Tại Paris 2024, đoàn thể thao của họ chỉ có vỏn vẹn 5 người, nhưng rồi lại tạo nên một sự kiện chấn động.
Trước khi bùng nổ ở đêm chung kết, Julien vốn đã được đánh giá nằm trong top cạnh tranh ngôi đầu 100m. Cô từng đoạt HCV cự ly 60m ở Giải vô địch thế giới điền kinh trong nhà 2024 và dẫn đầu xuyên suốt từ bán kết nội dung 100m nữ tại Olympic.
Một ngày trước màn thi đấu chung cuộc, truyền thông Mỹ đã đăng tải câu chuyện của Julien và so sánh cô với siêu sao Sha'Carri Richardson. Cả hai đều trải qua tuổi thơ gian khó, nhiều nỗi đau gia đình, để rồi bùng nổ từ hệ thống thể thao sinh viên Mỹ.
Cha của Julien, ông Julian Hamilton (Julien theo họ mẹ), qua đời khi cô mới 12 tuổi. Ngay sau khi đọat HCV, Julien đã nhắc đến cha mình với vẻ nghẹn ngào: "Tôi tin rằng cha tôi đã luôn ở bên cạnh tôi để chứng kiến khoảnh khắc này". Hơn 10 năm trước, nỗi đau mất cha khiến Julien suy sụp đến mức muốn từ bỏ điền kinh. Đến năm 2015, khi 14 tuổi, Julien có cơ hội sang Jamaica học, và điều đó đã làm hồi sinh động cơ tập luyện của cô gái trẻ.
"Mẹ tôi không thể đi theo tôi, nhưng bà ấy không ngăn cản. Và thế là tôi sang Jamaica. Thật không dễ dàng khi trưởng thành mà không có gia đình bên cạnh", Julien kể.
Vì sao lại là Jamaica? Tất nhiên đó là quê hương của Usain Bolt, đồng thời cũng là cái nôi của làng điền kinh cự ly tốc độ. Nếu chia các nội dung chạy làm hai - nước rút và chạy bền, Kenya cùng Ethiopia là đại biểu cho nhóm chạy bền, còn Mỹ cùng Jamaica đứng đầu nhóm nước rút.
Trước khi Julien xuất hiện, nội dung 100m nữ đã nằm trong sự thống trị của các chân chạy Jamaica 4 kỳ Olympic liên tiếp. VĐV chạy nước rút sang Jamaica du học cũng giống như VĐV bóng bàn sang Trung Quốc "thọ giáo".
Cái tên Julien Alfred bắt đầu nổi lên từ Olympic trẻ 2018, khi cô đoạt HCB nội dung 100m. Vài tháng trước đó, Julien một lần nữa nhận tin dữ khi dì Karen Alfred, người đã nuôi dạy cô từ nhỏ, qua đời. Nhưng ở thời điểm này, tiềm năng của Julien đã như tên đặt trên cung và không gì có thể cản bước cô gái Saint Lucia được nữa.
Cũng trong năm đó, Julien nhận học bổng của ĐH Texas và bắt đầu làm việc với HLV Edrick Floreal. Ông Floreal dẫn dắt đội điền kinh của ĐH Texas và từ lâu đã nổi danh là một HLV mát tay trong việc đào tạo trẻ. Rất nhiều học trò của ông Floreal từ ĐH Texas đã trở thành ngôi sao điền kinh hàng đầu thế giới. Và Julien giờ đây trở thành một trong những cái tên rực rỡ nhất.
Sau 4 năm tung hoành ở NCAA - hệ thống giải thể thao sinh viên Mỹ, Julien tiến lên chuyên nghiệp vào năm 2022 - thời điểm cô đã có bằng cử nhân ngành nghiên cứu cộng đồng của ĐH Texas.
Thành công không đến quá sớm, Julien thất bại ở Giải vô địch thế giới năm 2022, rồi cho thấy sự tiến bộ khi về đích thứ 4 ở chung kết 100m ở Giải vô địch thế giới năm 2023. Tấm HCV Olympic mới đây là một bước nhảy vọt nhưng đến từ tiến trình hợp lý của Julien. Thông số 10,72 giây ở chung kết Olympic cũng là thành tích chạy 100m tốt nhất sự nghiệp của Julien, giúp cô vượt qua Richardson (10,87 giây).
Dù đến từ một quốc gia nhỏ bé với dân số chỉ đủ lấp đầy hai lần sân vận động Stade France, Julien thực chất đã được đào tạo bởi hai quốc gia đứng đầu thế giới về chạy nước rút. Đi cùng đó là nghị lực vượt khó mạnh mẽ của một cô gái mồ côi cha từ nhỏ. Tất cả tạo nên một câu chuyện phi thường.
Thành An