Đất nước vừa giành được độc lập đã gặp biết bao khó khăn bởi thù trong giặc ngoài, nền kinh tế do chế độ thực dân và phong kiến để lại rất nghèo nàn lạc hậu, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nạn đói rét, thất học và mù chữ làm cho đất nước, nhân dân ta đã khó khăn lại càng khó khăn nặng nề hơn. Trong hoàn cảnh đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời về công tác y tế, công tác giáo dục,... nhằm đẩy lùi những khó khăn trở ngại và Bác kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm...
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khỏe con người và đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng và chỉ ra mục tiêu hình thành và phát triển nền Thể dục Thể thao mới (TDDT) mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước. Và sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) hơn 6 tháng, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục và ra "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”.
Như vậy, sự ra đời của ngành TDTT nước ta giai đoạn lịch sử đó gắn liền với nhiệm vụ với Y tế và Giáo dục, để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc, nhằm tăng cường sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Ngành TDTT lúc đó là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác TDTT trong phạm vi cả nước và là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Có thể nói, điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng Tám.
Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2014), chúng ta nhớ về Bác với "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". Có thể nói, "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam mới ra đời; là ánh sáng dẫn đường, chỉ lối cho công tác TDTT cách mạng nước ta phát triển phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Ý tưởng "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Bác mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực và có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần, hành động của nhân dân và mọi người hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Và "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Bác Hồ được đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27/3/1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào “Khỏe vì nước” rất sôi nổi và phong trào này là thể hiện bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ, nhưng đầy sinh lực phát triển. Trải qua từng giai đoạn của lịch sử của đất nước, TDTT Việt Nam mang các tên: Năm 1946 mang tên "Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên" rồi đến "Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục" và sau này (1957) là "Ban Thể dục thể thao Trung ương", năm 1960 đổi thành "Ủy ban TDTT" và Ủy ban TDTT đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, cũng như lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và quốc tế.
Đến nay, "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị, lời kêu gọi với văn phong bình dị, chân thành, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được, Bác viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”.
Các tư tưởng, quan điểm cơ bản đó của Bác bao hàm cả vị trí, vai trò to lớn trong nền văn hoá thể chất Việt Nam và luôn trường tồn, hiện hữu trong nền TDTT nước nhà trong từng giai đoạn lịch sử. Và có thể khẳng định, quan điểm của Bác về “Dân cường thì nước thịnh” là quan điểm cơ bản nhất, hướng TDTT nước nhà phục vụ đắc lực mục tiêu dân cường, nước thịnh, xét cho cùng đây là hai mục tiêu cao quý của chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh". Như vậy, cả hai mục tiêu đều đem lại hạnh phúc cho con người, cho dân tộc ta. "Dân cường thì nước thịnh", điều này có nghĩa sức khoẻ của nhân dân là một trong những nhân tố to lớn quyết định sự phát triển đất nước đi tới “Dân giàu, nước mạnh”. Tựu trung lại, TDTT phục vụ đắc lực sức khoẻ nhân dân, thông qua sức khoẻ nhân dân để góp phần phục vụ tất cả các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục...
Trên cơ sở tư tưởng, quan điểm của Bác về TDTT, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm phát triển triển nền TDTT nước nhà theo tư tưởng Hồ Chí Minh. 68 năm qua, nền TDTT nước ta đã đạt được nhiều thành tích to lớn, nhất là phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng ở các địa bàn và đối tượng dân cư, đã góp phần nâng cao thể lực, phòng chữa bệnh tật, tạo dựng lối sống mới lành mạnh cho nhân dân và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Bác, 68 năm qua, nhân dân cả nước tham gia nhiều phong trào luyện tập TDTT rộng lớn, đặc biệt là phong trào "Toàn dân tập thể dục, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ" do Ủy ban TDTT Việt Nam phát động từ năm 1990 đến nay đã đạt những kết quả đáng kể, góp phần mang lại những tầm vóc mới, sức vóc mới cho TDTT quần chúng nước ta.
Cùng với hoạt động TDTT cả nước, Bến Tre nhiều năm qua trên lĩnh vực hoạt động TDTT cũng đạt được những thành tích đáng kể. Năm 2013, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Bơi phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2020”; kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 16 của Chính phủ; kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội TDTT các cấp tỉnh Bến Tre năm 2013 – 2014; kế hoạch đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014 – 2016 và 2016 – 2020. Hướng dẫn về việc tổ chức, hoạt động của Câu lạc bộ TDTT cơ sở theo Thông tư 18 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kiểm tra công nhận các CLB đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh; cấp giấy chứng nhận cho 638 em lớp bơi phổ cập hè phòng, chống đuối nước. Phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở phục vụ công tác tổ chức Đại hội TDTT; hỗ trợ huyện Mỏ Cày Nam tổ chức Đại hội TDTT điểm cấp huyện, thành phố; xây dựng kế hoạch liên tịch với Tỉnh đoàn về việc tổ chức rước đuốc truyền thống Đại hội TDTT tỉnh Bến Tre năm 2014; tập trung tổ chức Đại hội TDTT các cấp tỉnh Bến Tre lần thứ VII năm 2013–2014. Tính đến nay số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 31,2%, gia đình thể thao đạt 29,5%.
Về công tác tổ chức thi đấu: tổ chức 10 giải thể thao cấp tỉnh, 15 giải thể thao, hội thao các sở, ngành,… có trên 2.000 lượt vận động viên tham dự. Tổ chức giải Karatedo Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013. Đăng cai và phối hợp tổ chức 09 giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc như: giải Xe đạp nam toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Bến Tre; giải Bóng chuyền vòng chung kết hạng A toàn quốc; giải Vovinam Đại hội TDTT ĐBSCL...
Về công tác tham dự giải: Các đội năng khiếu, trẻ, tuyển tham dự 37 giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế như: giải vô địch Vovinam Đông Nam Á, giải Điền kinh Đài Loan quốc tế mở rộng, giải Điền kinh quốc tế TPHCM,… đạt 280 huy chương gồm: 89 HCV, 79 HCB, 112 HCĐ (đạt 140%) so với kế hoạch năm. Có 13 Kiện tướng quốc gia và 23 Cấp I quốc gia; Đội tuyển bóng đá tỉnh năm 2013 được thăng hạng nhì quốc gia, đội tuyển bóng chuyền giữ hạng A toàn quốc.
Tiếp tục phát huy thành quả mà ngành TDTT tỉnh nhà đạt được trong năm 2013, kế hoạch đề ra năm 2014, ngành tập trung tổ chức thành công Đại hội TDTT 02 cấp (huyện và tỉnh) lần VII năm 2014; chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội TDTT toàn quốc đạt kết quả tốt. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đọan 2013-2020. Xây dụng Đề án phát triển thể thao thành tích cao, kế hoạch phát triển TDTT quần chúng giai đoạn 2013-2016 định hướng năm 2020 trên cơ sở định hướng của chiến lược phát triển thể dục thể thao của Chính phủ và quy hoạch phát triển thể thao tỉnh Bến Tre đến năm 2020; kế hoạch phát triển xã hội hóa lĩnh vực thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt. Hoàn chỉnh các quy trình quản lý các đội tuyển thể thao góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các môn thể thao trọng điểm của tỉnh trong năm 2014. Phấn đấu giữ vững và nâng cao thành tích các môn thế thao thế mạnh của tỉnh như Canoeing, Vovinam, Điền kinh, Judo,… nhất là tham dự Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII đạt kết quả tốt. Tổ chức tốt các giải thể thao cấp tỉnh, tham gia các giải cấp khu vực và toàn quốc theo kế hoạch. Phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên tăng thêm 3%, gia đình thể thao đạt 31%; số huy chương đạt được tại các giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế trên 200 huy chương các loại, trong đó phấn đấu huy chương vàng tăng hơn so với năm 2013.
Trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang ở thời điểm lịch sử trọng đại, đang trên đường xây dựng CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Bác Hồ đã vạch ra, vì vậy đòi hỏi vị trí công tác và nhiệm vụ của người cán bộ trên lĩnh vực TDTT cũng cần phải thực hiện lời Bác dạy: “Cán bộ TDTT phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác”. Và hơn bao giờ hết ngành TDTT cả nước nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nêu cao tinh thần đoàn kết, trung thực, cao thượng, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện phi thể thao.
Mỗi chúng ta cũng cần liên hệ lại bản thân, thực hành những chuẩn mực đạo đức của Bác trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, để gặt hái những thành công đáng kể. Đặc biệt, là rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, đó cũng chính là mỗi chúng ta đã góp phần xây dựng một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần và khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xem đó là việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, tức là góp phần tích cực xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện. Đó cũng là thực hiện mục tiêu "Dân cường, nước thịnh" theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng hợp