Hiện tại, Vụ TDTT quần chúng được giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì xây dựng "Đề án phát triển TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2008 - 2015". Đây là một đề án hết sức quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển TDTT nói chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ chính trị thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Luật TDTT... Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Trang tin TDTT Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Thơ - Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng Tổng cục TDTT.
Xin ông cho biết khái quát về đề án này?
Thực hiện chủ chương phát triển TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo của Đảng và Nhà nước và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Uỷ ban TDTT cũ (nay là Bộ VH,TT&DL) đã triển khai việc xây dựng "Đề án phát triển TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 - 2015".
Đề án được xây dựng với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tham gia hoạt động TDTT nhằm nâng cao sức khoẻ, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng đời sống mới trong mỗi bản làng, góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng và đối ngoại trong toàn vùng. Đồng thời, Đề án còn nhằm khôi phục, bảo tồn các trò chơi vận động dân gian, môn thể thao dân tộc, tổ chức các Ngày hội thể thao dân tộc định kỳ hàng năm; Hình thành các thiết chế quản lý TDTT cấp xã và mô hình cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của mỗi vùng đồng bào dân tộc.
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2015 có 13 - 15% dân số thường xuyên tập luyện TDTT (cả nước là 30%) (năm 2004 khoảng 6-8%, cả nước là 20%) và 70 - 80% số xã có thiết chế văn hoá - thể thao, có cộng tác viên được bồi dưỡng nghiệp vụ để quản lý công tác TDTT.
Hiện tại, dự thảo Đề án đã được trình Chính phủ.
Chắc hẳn các môn thể thao được ưu tiên phát triển ở vùng miền này sẽ khác với vùng đồng bằng, vậy tiêu chí để lựa chọn các môn thể thao để phát triển ở đây là gì và đó là những môn nào, thưa ông?
Đúng vậy, các môn thể thao được ưu tiên phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ khác với vùng đồng bằng - nơi đại đa số dân tộc Kinh sinh sống, Đề án căn cứ vào từng đặc điểm riêng biệt của từng vùng về kinh tế, văn hoá, xã hội, vị trí địa lý, các điều kiện tự nhiên... và căn cứ vào các môn thể thao, trò chơi dân gian phổ biến và được yêu thích nhất đối với mỗi vùng. Theo kết quả điều tra khảo sát và báo cáo thống kê năm 2006 của 44 Sở TDTT (trước đây) có các xã đặc biệt khó khăn và qua báo cáo Sơ kết giai đoạn 1 (2005 - 2006) Chương trình phát triển TDTT cấp xã của 53 tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tìm được các trò chơi phổ biến và được yêu thích nhất ở từng vùng.
Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, Đề án đã lựa chọn được các hoạt động TDTT phù hợp với từng địa phương, vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể là: Các hoạt động phổ biến với tất cả các vùng miền là: Đi bộ, Chạy, Thể dục dưỡng sinh, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Kéo co... Riêng các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc phổ biến các môn: Vật dân tộc, Bắn nỏ, Đẩy gậy, Tung còn, Ném pao, Đá cầu, Bắn súng... Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên phổ biến các môn: Võ cổ truyền, Bắn nỏ, Đua thuyền, Lắc thúng, Đi cà kheo, Bơi, Đẩy gậy... Các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ phổ biến các môn: Vovinam, Đẩy gậy, Võ cổ truyền, Đua ghe ngo, Đua thuyền, Đi cà kheo, Bơi, Thể hình... Đối với thanh thiếu niên, nhi đồng và học sinh thường thích Đá cầu, Nhảy dây, Kéo co, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông và các môn Võ thuật... Đối tượng trung cao tuổi thường thích Cầu lông, Bơi, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh... Đề án sẽ nghiên cứu chuẩn hoá 5 trò chơi dân gian thành môn thể thao dân tộc.
Với đặc điểm riêng biệt cả về địa hình và văn hoá của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực tế đã cho thấy việc đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, kinh tế... nơi đây cũng còn gặp rất nhiếu khó khăn, vậy giải pháp mà Đề án đưa ra đối với hoạt động TDTT ở các vùng miền này như thế nào, thưa ông?
Với những đặc thù riêng của hoạt động TDTT, các thành viên xây dựng Đề án cũng đã đưa ra 6 giải pháp trọng tâm. Trong đó, giải pháp tiên quyết đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn ngành và toàn xã hội về công tác TDTT đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, sẽ phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn tỉnh hay cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tập luyện TDTT, đồng thời vận động quần chúng thực hiện...
Thứ hai là giải pháp hướng dẫn, chỉ đạo đồng thời kiểm tra các hoạt động TDTT phù hợp với từng địa phương, vùng đồng bào dân tộc. Cụ thể các hoạt động TDTT đó như đã đề cập ở trên.
Thứ ba là chỉ đạo và xây dựng mô hình điểm phát triển TDTT và xây dựng cơ sở vật chất tại các thôn, bản và xã. Cụ thể là chọn 140 xã gồm: 85 xã ở vùng dân tộc có số dân trên 100.000 người; 38 xã ở vùng dân tộc có số dân từ 10.000 người đến dưới 100.000 người và 17 xã ở vùng dân tộc có số dân dưới 10.000 để làm thí điểm mô hình hoạt động TDTT và xây dựng cơ sở vật chất tại các thôn, bản và trung tâm xã. Trong đó, có mô hình điểm về thiết chế quản lý và điều hành, mô hình điểm về cơ sở vật chất.
Thứ tư là xây dựng và chỉ đạo thống nhất hệ thống thi đấu thể thao quần chúng cho đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm: Định kỳ tổ chức các Hội làng, Lễ hội truyền thống, Ngày hội Văn hoá - Thể thao của từng dân tộc, Hội khoẻ Phù Đổng trong các trường học phổ thông dân tộc nội trú và các hoạt động Văn hoá - Thể thao khác trên địa bàn; Hàng năm tổ chức các giải thể thao toàn thôn, toàn xã gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Thứ năm là tạo nguồn nhân lực cho TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: hàng năm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên TDTT, chọn thanh niên dân tộc, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, cử tuyển đi học các trường TDTT để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho từng dân tộc. Đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong việc quản lý, điều hành và phát triển TDTT ở từng địa phương.
Thứ sáu là thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành và xã hội hoá trong chỉ đạo điều hành và đầu tư phát triển TDTT vùng đồng bào dân tộc. Giải pháp này nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành, đơn vị, tập thể, cá nhân... đồng thời phối hợp thực hiện đúng với chương trình mục tiêu quốc gia về các vấn đề liên quan để đẩy mạnh phong trào TDTT tại mỗi địa phương.
Vậy với một Đề án có quy mô lớn và nhiều đặc điểm riêng biệt như thế này thì nguồn kinh phí để thực hiện nó sẽ như thế nào, thưa ông ?
Trong quá trình xây dựng Đề án, các thành viên đã tính toán kỹ lưỡng vấn đề này và đã quyết định đề xuất phương án về kinh phí thực hiện. Đề án dự kiến lấy từ các nguồn là kinh phí Nhà nước cấp, gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và kinh phí tự nguyện đóng góp của dân. Nguồn kinh phí của nhân dân chủ yếu bằng công lao động. Trong đó, UBND các cấp chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của đề án. Còn kinh phí từ ngân sách trung ương sẽ chi cho công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo cán bộ, biên soạn tài liệu chuyên môn, sơ tổng kết, khen thưởng và hỗ trợ cho địa phương xây dựng cơ sở vật chất sân bãi, dụng cụ tập luyện TDTT.
Hương Xiêm thực hiện