Trong những năm qua, phong trào tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân đã có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu. Cơ chế, thể chế quản lý nhà nước về TDTT được củng cố và hoàn thiện; hình thành hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT. Tiềm lực khoa học công nghệ và y học thể thao tăng lên rõ rệt. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu hiện đại. Xã hội hóa hoạt động thể thao thành tích cao phát triển phù hợp với xu thế phát triển thể thao thành tích cao hiện đại trên thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế về thể thao đã góp phần nâng cao trình độ VĐV, năng lực tổ chức, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, trọng tài, nhân viên y tế...; thông qua đó hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong những năm gần đây, TDTT Việt Nam còn có những tồn tại, yếu kém như: Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đều, chất lượng chưa cao; Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường và các hoạt động thể thao ngoại khóa của học sinh, sinh viên chưa được coi trọng, chưa đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao sức khỏe cho học sinh; Công tác quản lý ngành còn ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp, chưa bắt kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; cơ chế, chính sách nguồn nhân lực thể thao còn hạn chế, bất cập; Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức trong thi đấu, thưởng thức thể thao chưa được quan tâm đúng mức; Tỷ trọng ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển ngành TDTT còn thấp. Hoạt động của một số liên đoàn, hiệp hội TDTT còn bị động, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước; thiếu các quy định pháp lý về việc tham gia thực hiện một số hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực TDTT; Hợp tác quốc tế về TDTT chưa tương xứng với tiềm năng của ngành.
Xác định những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng thể, khách quan và toàn diện nhằm định hướng tốt công tác tuyên truyền góp phần đưa phong trào TDTT phát triển phù hợp với yêu cầu khách quan của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Xét về nguyên nhân khách quan là những nhân tố bên ngoài tác động đến sự phát triển TDTT bao gồm nguồn lực, cơ chế, chính sách đầu tư cho TDTT còn nhiều bất cập. Hiện nay ngân sách nhà nước và cộng đồng xã hội cho phát triển TDTT còn thấp; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị TDTT còn thiếu thốn, lạc hậu; khoa học, công nghệ và y học thể thao chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Trong khi đó nhu cầu xã hội về TDTT ngày càng tăng, xu thế hội nhập theo con đường giao lưu TDTT được xã hội hóa ngày càng nhiều. Mâu thuẫn giữa nhu cầu với cơ chế, chính sách sẽ làm cho sự phát triển TDTT gặp nhiều khó khăn, đứng trước nhiều thách thức. Thách thức về nguồn lực con người và khó khăn về cơ sở vật chất. Đó là việc đầu tư giáo dục năng khiếu TDTT, năng lực quản lý, ứng dụng KHCN vào TDTT chưa được chú trọng làm cho chất lượng nguồn nhân lực TDTT thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đồng thời cơ sở vật chất thiếu và lạc hậu gây khó khăn trong công tác đào tạo, luyện tập và quá trình phát triển phong trào TDTT trong xã hội. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư của Nhà nước và xã hội hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển TDTT trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về thành tích thi đấu giữa các quốc gia trong khu vực, châu lục và thế giới.
Quan điểm Nghị quyết 08-NQ/TW khẳng định: “Đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển TDTT, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động TDTT.”
Xét về nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân cơ bản tác động trực tiếp đến sự phát triển TDTT của nước ta hiện nay được thể hiện chủ yếu trên các mặt như: công tác tuyên truyền còn hạn chế; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên và thiếu sâu sát; chiến lược phát triển TDTT còn thiếu và bất cập; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức đối với nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển TDTT chưa được quan tâm đúng mức… Để đáp ứng yêu cầu khách quan ngày càng cao của xã hội đối về TDTT, cần tập trung giải quyết tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển TDTT nhằm phục vụ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Trong thực tiễn chúng ta thấy, để chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị…đi vào cuộc sống trước hết phải học tập, quán triệt, hướng dẫn, triển khai, tuyên truyền. Tuyên truyền phải đảm bảo đúng các nguyên tắc: tính đảng, tính giai cấp; tính khoa học và thực tiễn; tính chiến đấu; tính phổ thông, đại chúng. Từ đó xác định mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp, phương thức, phương tiện tuyên truyền và nguồn lực bảo đảm cho công tác tuyên truyền cũng như tổ chức công tác tuyên truyền phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền TDTT vào đời sống xã hội một cách thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”.
Cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần các quan điểm của Đảng về TDTT, đặc biệt là quan điểm Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Đặc biệt lưu ý điểm mới của Nghị quyết là phát triển lĩnh vực TDTT để phục vụ việc phát triển nguồn nhân lực; đầu tư cho TDTT là đầu tư cho sự phát triển; tập trung ưu tiên cho phát triển TDTT trường học. Từ đó định hướng đúng công tác tuyên truyền trong lĩnh vực TDTT không thái quá, không chạy theo thành tích và phải hướng vào chất lượng TDTT nước nhà.
Thứ hai, vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp là yếu tố không thể thiếu để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác TDTT. Hoạt động TDTT diễn ra thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thu hút nhiều thành phần tham gia. Vì vậy cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm kịp thời, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phong trào TDTT cơ sở theo đúng quan điểm chỉ đạo của đảng. Một mặt góp phần động viên, phát hiện và phát triển thế mạnh thể thao của địa phương, mặt khác hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quá trình hoạt động.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác TDTT, trên cơ sở đó có chủ trương phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT ở từng địa phương, cơ sở. Quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền đúng mức, giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác TDTT. Đồng thời cần đặc biệt chăm lo xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác TDTT; đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp quản lý TDTT; thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020”, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển TDTT; quy hoạch đất và huy động nguồn lực để xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT ở xã, phường, thị trấn gắn với trường học; hỗ trợ phát triển TDTT ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Thứ ba, để TDTT phát triển đúng hướng, việc lập kế hoạch, chương trình, dự án TDTT (đặc biệt là thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp) theo từng giai đoạn cụ thể là nhiệm vụ cơ bản nhằm phát huy thế mạnh TDTT trên cơ sở tình hình thực tế theo từng vùng, miền, địa phương, đơn vị. Trong quá trình hội nhập và phát triển ngày càng diễn ra mạnh mẽ, phong trào TDTT Việt Nam hiện nay vẫn chưa theo kịp những nguyên tắc kế hoạch phát triển ngắn hạn và chiến lược phát triển lâu dài. Vì vậy, sự phát triển TDTT chưa được bền vững. Đây là thực trạng cần phải cảnh báo để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, quản lý thường xuyên, nhằm phát huy vai trò TDTT vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Việc lập kế hoạch chiến lược với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn là cơ sở để đầu tư, huy động xã hội, hợp tác quốc tế trong giáo dục, quản lý, phát triển phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp theo chiều rộng, nâng cao chất lượng của TDTT Việt Nam.
Thứ tư, để phát triển thể thao thành tích cao cần phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư phát triển từ tâm lý học thể thao, y học thể thao đến kinh tế thể thao trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho thể thao. Từ những mục tiêu kế hoạch, chiến lược của thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, việc thực hiện các giải pháp giáo dục, quản lý, chăm sóc sức khỏe, thể chất và xác định đúng đầu tư mũi nhọn cho hoạt động TDTT là điều kiện quan trọng nhằm khẳng định vị trí của TDTT Việt Nam ở trong khu vực và quốc tế.
Việc giáo dục phát triển thể thao thành tích cao phải bao gồm giáo dục năng khiếu và giáo dục tâm lý học thể thao. Giáo dục năng khiếu, kỹ thuật thể thao là nhiệm vụ thường xuyên để phát triển TDTT, song song với quá trình đó là việc hướng dẫn, huấn luyện các chiến thuật thi đấu hợp lý, chủ động, bình tĩnh và tự tin, vững vàng trong mọi tình huống nhằm đạt kết quả thi đấu cao nhất. Giáo dục tâm lý học thể thao sẽ giúp cho các VĐV bản lĩnh thể thao, “thắng không kiêu, bại không nản”, thể hiện đúng bản sắc văn hóa của thể thao Việt Nam truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe, thể lực cho các VĐV có vai trò rất quan trọng để duy trì độ dẻo dai, sức bền, hạn chế tối đa những chấn thương trong thi đấu của các VĐV. Vì vậy phát triển y học thể thao góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn: tuyển chọn, kiểm tra đánh giá trình độ luyện tập của VĐV, khám và chữa trị các bệnh lý chấn thương và bệnh lý do luyện tập thể thao gây nên, tư vấn và hướng dẫn dinh dưỡng thể thao và tham gia phục vụ tốt công tác y tế của các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
Để phát triển thể thao thành tích cao đòi hỏi phải có sự đầu tư hợp lý, hiệu quả. Muốn vậy cần xác định các môn thể thao thế mạnh, mũi nhọn để ưu tiên đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội vào quá trình phát triển. Từ đó có phương pháp đào tạo, chế độ chăm sóc phù hợp, có chính sách, chế độ hỗ trợ nguồn lực phục vụ phát triển thể thao thành tích cao.
Thứ năm, việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển TDTT Việt Nam. Nguồn nhân lực TDTT là lực lượng bao gồm các HLV, VĐV, trọng tài, cán bộ quản lý… Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Công tác tư tưởng đã góp phần nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội”.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về rèn luyện sức khoẻ, hưởng thụ văn hoá, TDTT trong xã hội sẽ gia tăng. Văn hóa, đạo đức trong TDTT được coi trọng và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT luôn được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành TDTT thường xuyên quan tâm, chăm lo. Điều này được thể hiện rõ qua các Văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật TDTT đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, một bộ phận VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ TDTT có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, có những hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật như: có thái độ đề cao cá nhân, sớm thoả mãn, mua bán tỷ số, cá độ, gian lận tuổi, bạo lực trong tập luyện và thi đấu thể thao…, gây ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín và sự phát triển TDTT, đồng thời có ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Trước thực trạng đó đòi hỏi cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong ngành TDTT nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ văn hóa cho cán bộ, HLV, VĐV và trọng tài là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp TDTT Việt Nam. Gắn giáo dục chính trị tư tưởng với việc thực hiện Nghị quyết TW 4 Khoá XI của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó cần có chính sách, chế độ đối với giáo viên thể dục trong các cơ sở giáo dục đào tạo, đối với VĐV, HLV phù hợp với thực tiễn. Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, trọng tài, chuyên gia đẳng cấp quốc tế… nhằm đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ phát triển ngành.
Khắc phục những hạn chế, yếu kém, làm rõ những nguyên nhân, thực hiện tốt các nhiệm vụ một cách đồng bộ và toàn diện là yêu cầu cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan ngày càng cao của sự nghiệp TDTT nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo ra sức mạnh và động lực phát triển đất nước.
GS. TS Đào Văn Dũng - THS. Nguyễn Ngân Hà