Theo đó, đến năm 2020, thể dục, thể thao cơ bản được phát triển đồng đều giữa các đối tượng, rộng khắp giữa các vùng, miền, các địa phương trong cả nước, góp phần nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam, vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh. Thành tích ở một số môn thể thao có thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ của châu lục và thế giới.
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có nền thể dục, thể thao phát triển ở châu lục.
Mục tiêu cụ thể, về thể dục, thể thao quần chúng, người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 28% dân số vào năm 2015, đạt 33% dân số vào năm 2020 và đạt trên 40% dân số vào năm 2030; gia đình thể thao đạt 22% tổng số hộ gia đình vào năm 2015, đạt 25% tổng số hộ gia đình vào năm 2020 và đạt trên 30% tổng số hộ gia đình vào năm 2030.
Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, tỷ lệ học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100% từ năm 2015 trở đi đối với tất cả các cấp học, bậc học. Từ sau năm 2015, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục thể chất chính khóa, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước.
Hằng năm tổ chức đào tạo trên 2.000 vận động viên cấp quận, huyện tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 500-2.000 vận động viên ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương; 200-1.000 vận động viên, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, từng ngành.
Bên cạnh đó, hằng năm tổ chức tập huấn từ 1.000-1.500 vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia và từ 2.000-2.500 vận động viên đội tuyển quốc gia tại các trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, trong đó tập trung tập huấn theo chế độ đặc biệt từ 150-200 vận động viên đội tuyển quốc gia.
Từ năm 2015, các liên đoàn, hiệp hội thể thao đã được thành lập phải có kế hoạch đào tạo vận động viên; từ năm 2020 trở đi, tất cả các liên đoàn, hiệp hội thể thao phải tiến hành đào tạo vận động viên.
Phấn đấu xếp hạng 2-3 toàn đoàn tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2013
Về thành tích thi đấu quốc tế, đối với Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), phấn đấu năm 2013 đạt 70-90 huy chương vàng, xếp hạng 2-3 toàn đoàn; các năm: 2015, 2017, 2019 xếp hạng 1-3 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030, phấn đấu xếp hạng 1-2 toàn đoàn.
Đối với Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), phấn đấu năm 2014 đạt 2-3 huy chương vàng, xếp hạng 15-20 toàn đoàn; năm 2019 đạt 10-15 huy chương vàng, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030, phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục.
Còn đối với Thế vận hội Olympic, năm 2016 có 30-40 vận động viên tham dự, đạt 1-2 huy chương; giai đoạn 2020-2030 có 30-50 vận động viên tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có huy chương vàng.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó trong giai đoạn 2013-2015, tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt 8 chương trình, đề án trọng điểm: 1- Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại Việt Nam; 2- Đề án đào tạo vận động viên chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại Việt Nam; 3- Đề án ban hành cơ chế, chính sách đối với vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ đại hội thể thao châu lục và thế giới; 4- Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học; 5- Đề án tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu khoa học về thể dục, thể thao; 6- Chương trình quốc gia về phát triển thể dục, thể thao giai đoạn 2016-2020; 7- Đề án phát triển các câu lạc bộ thể dục, thể thao cấp cơ sở; 8- Đề án tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục, thể thao.
Nguồn Chinhphu.vn