Sau khi giành 3 HCV và 1 HCĐ ở bộ môn thể dục dụng cụ (TDDC) cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, Phan Thị Hà Thanh lại nén cơn đau vì chấn thương trở về Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn để tiếp tục tập luyện cho Giải vô địch Châu Á và Olympic sắp tới. Sau vinh quang có góc khuất của những cơn đau “không được điều trị” mà đâu phải ai cũng hiểu.
Những cơn đau dài theo sự nghiệp
Sau lễ tổng kết SEA Games 28, tôi gặp lại Hà Thanh trong một ngày Hà Nội nắng gay gắt tại Trung tâm HLTTQG Nhổn. Cô gái vàng của TDDC vẫn hăng say luyện tập và trị liệu chấn thương. Hà Thanh đang chuẩn bị cho Giải vô địch Châu Á sẽ diễn ra sau 1 tháng.
Đến giờ nghỉ, tôi hỏi: “Sau SEA Games mà em không nghỉ điều trị chấn thương à?”, “Chấn thương của em mà điều trị thì giải nghệ luôn anh ơi,” Hà Thanh trả lời và chúng tôi bắt đầu câu chuyện những cơn đau trên đỉnh vinh quang ấy. Hà Thanh cho biết, bác sĩ chẩn đoán cô bị sưng phù tủy xương, dãn dây chằng và thường xuyên tràn dịch gối. Ngay những ngày trước khi thi đấu ở SEA Games, Hà Thanh gặp phải những cơn đau dữ dội nhưng vẫn cố nén, trị liệu để tiếp tục thi đấu. Hà Thanh cho biết: “Chỉ tiêu đã đề ra như vậy rồi, công sức của cả ban huấn luyện bỏ ra luyện tập cả năm, giờ không thi không được, nên em phải quyết tâm thôi.”
Hà Thanh đang luyện tập cùng với những chấn thương cho giải Châu Á. Ảnh: Internet. Hà Thanh tâm sự: “Các bác sĩ cho biết, nếu càng tập thì vết thương càng nặng hơn và phục hồi lâu hơn, muốn điều trị dứt điểm phải mất ít nhất là 3 tháng. Nhưng đối với bọn em, đặc thù của môn TDDC, phải tập luyện và thi đấu thường xuyên mới tạo được sự dẻo dai và giữ được phong độ. Nếu nghỉ dài như vậy coi như mất cả sự nghiệp. Em đang tập trung cho mục tiêu ở đấu trường Châu Á và Olympic nên không thể điều trị. Phải tập luyện và sống chung với chấn thương thôi.”
Từ khi dính chấn thương, lúc nào cũng vậy, cứ ra sân thi đấu là Hà Thanh chi chít những băng gạc phụ trợ. Nhìn những động tác đẹp mắt là vậy, nhưng mỗi khi tiếp đất, những cơn đau lại nhói lên tận óc mà Thanh vẫn phải cười trước giám khảo, trước khán giả. Có lẽ vì sống chung với cái đau nên mọi thứ cũng thành quen. Thanh cho biết: “Khi thi đấu, phải biết lựa từng động tác trên không chuẩn xác hơn để sao cho các pha tiếp đất không bị đau.”
Trong dịp chuẩn bị cho giải Châu Á, cường độ tập luyện của Hà Thanh tăng cao hơn. Chấn thương, tập nặng, đến cả chuyện đi đứng hàng ngày cô cũng phải đi theo… bài. Cô cho biết: "Dù chân đau nhưng khi đi lại vẫn phải lựa từng bước, sao cho đều chứ nếu tập tễnh hay không đúng bước sẽ ảnh hưởng đến tập luyện và thi đấu.”
Thương cho em và cho thể thao Việt Nam khi rất có thể SEA Games 28 vừa rồi sẽ là kỳ SEA Games cuối cùng của Hà Thanh. Cô gái 24 tuổi cho biết: "Em sẽ điều trị dứt điểm chấn thương sau khi thi Olympic Rio 2016, như thế đồng nghĩa với việc phong độ thi đấu đỉnh cao của em sẽ không còn nữa. Có thể em sẽ giải nghệ, chuyển sang công tác huấn luyện.”
18 năm, Hà Thanh đã hi sinh cả tuổi thơ, tuổi thanh xuân cho TDDC. Cô đã đến với TDDC từ năm 6 tuổi và trải qua cả một quá trình khổ luyện đến ứa nước mắt vì đau đớn, vì những bài tập nặng. Còn nhớ những ngày đầu tiên trong bài tập ép háng, Thanh đã khóc ré lên sau những can thiệp của huấn luyện viên để tạo sự dẻo dai cho cơ thể. Khổ luyện, nước mắt cứ giàn giụa, đã có lúc Hà Thanh bỏ về với bố mẹ vì không chịu được đau. Thế rồi, các huấn luận viên đến nhà vận động và cô bé lại ra đi mang theo nỗi xót con của cha mẹ và niềm kì vọng của những người thầy. Và để rồi giờ đây, những cơn đau cứ chạy dài theo sự nghiệp của cô gái tài năng.
Cuộc sống là những… cơn ác mộng
Chuyện Hà Thanh nén đau thi đấu mà vẫn giành vàng về cho thể thao Việt Nam đã trở thành hình ảnh của ý chí và nghị lực khiến các vận động viên trẻ luôn mang ra làm tấm gương để học tập. Thế nhưng, để được đứng trên bục vinh quang, cô gái vàng vẫn bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng mà nghiệp của mình mang lại.
Hà Thanh chia sẻ: “Khi chấn thương không tập được nhiều, các VĐV TDDC luôn phải tập luyện bằng đầu óc, tức là luôn phải tưởng tượng ra động tác của mình. Cũng với nhịp thở ấy, bước chạy ấy phải tưởng tưởng như đang tập luyện thật và ngày nào cũng phải tưởng tượng. Chúng em phải dùng tất cả các cơ trong cơ thể, nhất là cơ mặt. Đây cũng là môn cần tư duy rất nhiều. Đầu óc luôn luôn phải tưởng tượng động tác, tiếp đất, trên không…”.
Cô gái 24 tuổi tâm sự: “VĐV TDDC bọn em thường xuyên gặp những cơn ác mộng trong đêm. Đặc biệt là gần những ngày thi đấu, em thường xuyên giật mình tỉnh ngủ trong đêm. Ở SEA Games vừa rồi, bình thường em ngủ 7 tiếng/ngày. Thế nhưng càng sát ngày thi đấu, em chỉ ngủ được 4 tiếng/ngày do đầu óc luôn trong trạng thái căng thẳng. Chúng em luôn mơ thấy những bài tập của mình trong đêm, cộng với sự lo lắng nên thường xuyên gặp ác mộng.”
Ít ai biết, phía sau những tấm huy chương là những cơn đau dài đeo đẳng cả sự nghiệp của các tài năng và có thể sẽ ám ảnh cả cuộc đời của họ sau này. Điều đáng tiếc nhất là chúng ta sẽ không còn thấy Hà Thanh thi đấu tại SEA Games nữa. Có lẽ, sẽ rất lâu nữa chúng ta mới chứng kiến 1 Hà Thanh thứ 2 tạo cơn mưa vàng cho thể thao Việt Nam.
Theo thethaovietnam.vn