Tên thật là Ngô Quang Phong, nickname là Punk, Phong Skate đang là thành viên của nhóm trượt ván (skateboard). Chàng trai trẻ và nhóm đã từng giam gia nhiều sự kiện của các hãng thời trang có thương hiệu quốc tế và trong nước. Phong Skate cũng từng tổ chức giải skateboard ở tượng đài Lê - nin. Vào ngày 7/10 tới, nhóm cũng sẽ tham gia Hãy cùng hát vang - sự kiện dự kiến ghi kỷ lục số người cùng hát nhiều nhất, và sau đó là giải Skateboarding Day của một hãng thời trang lớn trong nước.
Phong Skate hiện tại vẫn hoạt động cùng các thành viên trong nhóm, nhưng cho rằng mình đã "quá tuổi", Phong thường không tham gia thi đấu mà ở vị trí ban giám khảo. Dưới đây là những chia sẻ của một tín đồ mê skateboard.
Phong Skate - ở giữa.
- Lý do gì khiến Phong quyết định đi theo skateboard?
- Mình trượt được 6 năm rồi, tuy nhiên mình lại thích trò này từ thời... bé tí. Nhưng chỉ là kiểu thích xem qua phương tiện truyền thông, tivi báo đài vì hồi đấy skate chưa phát triển ở Việt Nam, hơn nữa lại đắt đỏ. Hồi bé mình cũng mua ván trượt, tuy nhiên chỉ là mấy cái không chất lượng nên trượt được vài hôm là hỏng, thế là mình lại nghỉ.
Cứ thế cho đến khi đi học tại ĐH Điện lực Bắc Kinh mình mới bắt đầu chơi nghiêm túc. Hiện nay, skate ở nước ta đang ngày càng phát triển và đi lên, tuy nhiên lại chưa có ai thực sự muốn phát triển nghiêm túc cả. Mọi người trượt khá giỏi nhưng dụng cụ lại khan hiếm, chính vì vậy ảnh hưởng rất nhiều tới kỹ thuật, làm cho nó bị hạn chế. Vì khi đó ván trượt của nhiều người không đạt tiêu chuẩn, cả giày trượt chuyên nghiệp cũng không có nên mình muốn làm cái gì đó cho mọi người, xong cũng là làm thỏa mãn niềm đam mê của bản thân. Và đó chính là lý do mình quyết định đi theo skate và mở cửa hàng bán các đồ liên quan tới thú vui này.
- Về nước sau 5 năm du học, tại sao Phong không đi theo chuyên ngành của mình?
- Khi học xong đại học, bố mẹ muốn mình vào làm công chức. Nhưng tính mình không thích gò bó, không muốn đi làm sớm về muộn và ở trong môi trường bon chen. Mình chỉ đam mê và yêu thích skate thôi, chính vì vậy mình quyết định đi theo nó đến cùng. Khi nói chuyện với bố mẹ thì cả hai đều tôn trọng ý kiến của con cái nên không phản đối gì cả, chỉ nói cho mình biết những cái lợi, cái hại. Sau khi phân tích xong, mình hiểu hết mọi thứ nhưng vẫn muốn đi theo skate.
- Đã tham gia skate được 6 năm, hiện tại Phong có tham gia vào nhóm trượt nào?
- Mình và nhiều bạn khác thường xuyên trượt ở Tượng đài Lê-Nin nên lấy tên là Lenin Team để gọi chung. Vì bọn mình là thế hệ skate già nhất và lớn nhất ở Việt Nam nên cũng khiến cho nhiều người ngạc nhiên về nhóm. Khi nói đến trượt ván thì nhiều người nghĩ rằng môn đó là của trẻ con, nhưng suy nghĩ đó đã khá cổ rồi. Ở nước ngoài, trượt ván là một môn thể thao như đá bóng, đá cầu nên không thể nói trượt ván là môn trẻ con được. Nhóm của bọn mình đông lắm, khoảng vài chục người. Nếu tính cả Hà Nội thì khoảng hơn 100 người. Trong nhóm toàn là người đi làm hẳn rồi nhưng vẫn luôn đam mê với skateboard.
- Vậy Lenin Team có thường xuyên luyện tập với nhau không?
- Ngày nào bọn mình cũng tập, nhưng thời gian khoảng từ 10h tối đến 1h sáng. Vì ban ngày thời tiết nắng nóng, buổi chiều mát trời thì các bác đá bóng và tập thể dục nên không có chỗ trượt. Tối ở tượng đài càng không thể trượt được vì rất đông hàng quán, nhiều bạn trẻ tập thì tập nhảy, có cả trẻ con đến để chơi nên rất vướng và nguy hiểm. Thế là đành phải chờ mọi người về hết thì mới trượt. Nếu hôm nào trượt buổi sáng thì tụi mình vào Công viên Thống Nhất hoặc đi xa luôn cho thoải mái. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những rắc rối gặp phải khi tìm chỗ luyện tập.
- Phong có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm của mình về skate?
- Skate nếu nói khó thì cũng không phải, mà dễ thì lại càng không. Để chơi được môn này cần phải kiên trì và yêu thích nó thực sự mới có thể làm tốt. Trong skate có rất nhiều kỹ năng, chưa ai trên thế giới có thể làm hết được vì người giỏi kiểu này, người giỏi kiểu kia. Ở nước ta thì mấy kỹ năng thông dụng mọi người đều làm được hết rồi như: “Kick flip” - tức là dùng mũi chân làm cho ván xoay theo chiều dọc. “Pop shuvit 360” - làm ván xoay ngang 360 độ, “Back side” - cả ván lẫn người xoay theo 360 độ, cơ bản nhất là Ollie - làm cho ván bật lên không. Kỹ thuật này chỉ là nhảy lên thôi nhưng chắc làm được động tác đó rồi thì sau này sẽ dễ dàng làm các cấp độ khác. Với một người mới thì để làm được mấy động tác đó nhanh thì mất khoảng 2-3 tháng, lâu thì 1 năm hoặc không bao giờ (cười). Điều đó phụ thuộc vào năng khiếu như các môn nghệ thuật khác thôi.
Hơn nữa, các bạn mới sẽ phải làm quen với việc gặp chấn thương. Nói vậy nhưng không nghiêm trọng lắm, nặng nhất cũng chỉ trẹo chân. Có những người sợ ngã thì trượt Flat ground cho an toàn. Flat ground đơn giản là các bạn làm động tác dưới mặt đất bằng phẳng, không nhảy xa hoặc từ trên cao xuống. Còn nhiều bạn thích làm từ trên cao xuống đương nhiên không tránh khỏi việc bị trẹo chân.
- Để theo đuổi môn nghệ thuật này thì có phải đầu tư nhiều vào nó không?
- Nếu muốn theo đuổi môn “nghệ thuật đường phố” này chỉ cần đầu tư tiền vào ván và giày thôi. Ván thì có nhiều loại, loại đểu đểu cũng có mà xịn cũng có. Lời khuyên của mình là nên mua loại ván tầm 3 triệu, như vậy là xịn rồi, ở bên Mỹ loại tốt nhất cũng chỉ thế. Thêm đôi giầy từ 800.000 - 2 triệu nữa là không còn gì tốt hơn được nữa. Chủ yếu là vậy thôi vì có mỗi ván với giày là quan trọng nhất. Còn bạn nào thích phong cách thì mua thêm quần áo của mấy hãng skate nổi tiếng. Nước ngoài họ có đồ bảo vệ nhưng đó là dành cho những ai trượt ramp - trượt trong lòng máng, hoặc vert khó - trượt lấy đà và nhảy lên nơi cao hơn. Còn ở ngoài thì không cần thiết vì không cao đến mức phải dùng những thứ đó.
- Như vậy chỉ cần đầu tư một cái ván là có thể trượt được thoải mái?
- Những loại ván như vậy tuy là siêu bền nhưng không phải là không bị gãy, do tùy người trượt và tùy động tác. Tuy vậy, khả năng bị gãy ván là rất thấp vì người châu á có vóc dáng nhỏ nhắn, chính vì vậy khi tiếp đất không bị nặng cho lắm. Bản thân mình dùng phải mấy chục cái ván rồi, không phải vì gãy mà thấy nó cũ nên thay. Những người trượt giỏi, nếu có điều kiện thì 1 tháng thay 1 ván là chuyện bình thường. Môn skate có một sức hút lớn với nhiều người. Một khi đã đam mê thì tất cả các khoản tiền chỉ để đầu tư vào đồ trượt mà thôi.
Nếu là người trượt ít thì 1 ván có thể sử dụng được 3-4 năm, ai mà trượt nhiều thì chỉ dùng được 2 tuần. Vì nhiều lúc gặp địa hình xấu, làm mãi động tác mà không được dẫn đến ván cắm xuống đất nhiều là hỏng. Mỗi lần như vậy chỉ cần thay deck - mặt ván, tầm 750.000 -1 triệu đồng. Do cấu trúc của ván là có nhiều phần tách riêng nên hỏng đâu sửa đấy, nếu để hỏng hẳn mà mua ván mới thì bao nhiêu tiền cũng hết.
- Với vai trò là một giám khảo, đã bao giờ Phong cảm thấy áp lực khi phải lựa chọn ra những thí sinh xuất sắc?
- Đối với mình thì vị trí giám khảo không có nhiều áp lực cho lắm, bởi trong giải đấu luôn có luật và thang điểm cụ thể. Theo như luật ở trong giải đấu thì mỗi thí sinh sau khi kết thúc phần dự thi thì ban giám khảo sẽ để ý xem thí sinh đó đã thực hiện bao nhiêu động tác. Và mỗi động tác đều có một số điểm nhất định, thí sinh nào làm được nhiều động tác khó thì số điểm sẽ càng cao.
- Phong đánh giá thế nào về các bạn trẻ đam mê skateboard hiện nay?
- Thời gian gần đây, chất lượng của mỗi giải đấu ngày càng được nâng cao lên về mặt kỹ thuật cũng như số lượng thí sinh tham dự. Điều này chứng tỏ skateboard đang được giới trẻ quan tâm nhiều hơn, đây là một tín hiệu đáng mừng cho giới skateboard tại Việt Nam. Trước đây, bọn mình chỉ tiếp cận skate khi đã lớn lớn tuổi nên không có nhiều thời gian để làm quen và tìm hiểu về nó. Chủ yếu phải tự tìm hiểu qua các clip, còn hiện tại mình mong rằng các thế hệ sau sẽ thích skate ngay từ nhỏ, để khi đó các em sẽ dành nhiều thời gian hơn đến nó và có thể thực hiện được những động tác khó, giúp cho skateboard tại Việt Nam ngày càng phát triển.
- Như Phong đã nói, nhiều người cho rằng skateboard chỉ là trò dành cho trẻ con, vậy về phía gia đình, người yêu của Phong thì sao? Họ suy nghĩ thế nào khi Phong vẫn theo đuổi skate mặc dù đã lớn tuổi ?
- Đúng, nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là trò trẻ con nhưng thực sự họ đã hiểu sai về nó. Skate cũng giống như những trò thể thao khác, họ có thể bơi lội, có thể đá bóng hoặc đá cầu…. thì bọn mình có thể chọn skate. Như mình đã nói, ở nước ngoài thì skateboard là một môn thể thao, còn ở nước ta có nhiều người vẫn chưa nghĩ như vậy. Về phía gia đình hay người yêu thì cũng không hề phản đối việc Phong đi theo skateboard, bởi họ hiểu rằng đây là một môn thể thao lành mạnh, hơn nữa mình vẫn đang kinh doanh đồ skate chứ không phải chỉ suốt ngày ăn chơi. Hy vọng rằng mọi người sẽ thay đổi quan điểm về skateboard nói chung và skater nói riêng.