Đẩy mạnh phong trào Thể dục Thể thao (TDTT) cho đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trong sự nghiệp phát triển TDTT. Phát triển hoạt động TDTT trở thành nhu cầu thiết yếu, ngày càng sâu rộng trong đời sống nhân dân các dân tộc miền núi không những nâng cao sức khoẻ, mà còn góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước với trọng trách tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua Đảng, Nhà nước, ngành TDTT và toàn xã hội đã có nhiều chủ trương chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT các tỉnh miền núi. Cùng với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phong trào TDTT ở các tỉnh miền núi đã đạt được một số thành tựu đáng mừng, song vẫn ở mức chậm phát triển.
Nguyên nhân của sự tụt hậu này có thể dễ dàng nhận thấy qua sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; đội ngũ cán bộ những người làm công tác TDTT, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn; đặc biệt, nguồn ngân sách hàng năm đầu tư cho TDTT vào các tỉnh miền núi còn hạn chế... Hơn nữa, sức khoẻ của nhân dân cũng như thành tích TDTT phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện, yếu tố kinh tế, đời sống dân trí, khoa học kỹ thuật nên trên mặt bằng chung chưa được đầu tư về mọi mặt nên đã cản trở bước tiến của TDTT miền núi.
Từ thực tiễn đó, nên chăng ngành TDTT cần lựa chọn hướng đi thích hợp, có giải pháp tích cực để giải quyết những khó khăn trên. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở ra nhiều cơ hội mới cho Thể thao Việt Nam, đồng thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào TDTT ở các tỉnh miền núi, nhất là việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc - được coi là một phần di sản trong nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Việt Nam.
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện là điều cần thiết, tuy nhiên, khi đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc miền núi còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn thì hoạt động TDTT không thể là ưu tiên số một. Chính vì vậy, nhiều chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc miền núi cần được triệt để thực hiện, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển về tri thức, kinh tế, đời sống, trong đó có cả TDTT cho các tỉnh miền núi. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TDTT (từ cán bộ quản lý, giáo viên, huấn luyện viên, đến các cán bộ kỹ thuật) tại các tỉnh miền núi cần được đặc biệt quan tâm, đầu tư.
Mặc dù mới ở giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, song đây sẽ là một cơ hội mới, một thách thức mới đối với ngành TDTT Việt Nam nói chung, sự phát triển của phong trào TDTT ở các tỉnh miền núi nói riêng. Liệu khoảng cách về sự phát triển của phong trào TDTT giữa các tỉnh miền núi và miền xuôi có được rút ngắn hay không điều đó còn phụ thuộc vào hướng giải quyết với những giải pháp đồng bộ từ phía lãnh đạo ngành TDTT.
Quỳnh Hoa