PSG luôn khao khát sở hữu Messi. Ngôi sao Argentina là giấc mơ dài ấp ủ bao năm của các ông chủ người Qatar từ khi họ mua 70% cổ phần của CLB Pháp năm 2011. Và sau khi Qatar Sports Investments (QSI) thâu tóm hoàn toàn PSG một năm sau đó, Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi đã nhiều lần liên lạc với Jorge Messi, cha và đồng thời là người đại diện của chủ nhân sáu Quả Bóng Vàng
Al-Khelaifi, trên thực tế, cũng đã nỗ lực để chiêu mộ Messi hè năm ngoái, khi anh tìm đường rời Camp Nou.
Một năm trôi qua, cơ hội sở hữu Messi bất ngờ mở ra với PSG, sau khi "quả bom" được kích hoạt ở Camp Nou, khi Barca bất ngờ thông báo không thể ký hợp đồng mới với Messi hôm 5/8. Và chỉ mất năm ngày, tới tối 10/8, theo giờ Paris, điều ước bao năm của CLB Pháp và chủ sở hữu Qatar đã thành hiện thực khi PSG công bố Messi là cầu thủ của họ, tại sân Parc des Princes.
Dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau, tờ The Athletic đã chọn ra một chuỗi sự kiện làm nên con đường dẫn lối Messi rời Camp Nou để cập bến Parc des Princes:
- Tại PSG, Messi, đến theo diện chuyển nhượng tự do, nhận phí lót tay 25 triệu euro, và ký hợp đồng hai năm, với lương sau thuế 25 triệu euro mỗi năm, kèm điều khoản gia hạn thêm một năm, với mức lương tương tự.
- PSG vốn dĩ không tin rằng họ có cơ hội chiêu mộ Messi, tới khi đích thân ngôi sao này gọi điện cho HLV đồng hương Mauricio Pochettino.
- Đầu tư cho thương vụ Messi đồng nghĩa với việc PSG sẽ sẵn sàng rao bán tới 10 cầu thủ trong đội hình hiện tại. PSG cũng sẽ chờ Paul Pogba chính thức hết hợp đồng với Man Utd trong hè 2022, thay vì vung tiền mua tiền vệ người Pháp ngay hè này.
- PSG đã có những tính toán và tin rằng lợi ích thương mại thu về từ Messi sẽ giúp khoản đầu tư của họ "được đền đáp" trong tương lai.
- PSG xem việc chiêu mộ Messi hè này là món hời, so với chi phí ước tính lên tới 500 triệu euro để có được anh trong hè 2020.
- PSG hôm thứ Bảy tuần trước đã lo ngại nhà đương kim vô địch Champions League là Chelsea sẽ có những động thái tiếp cận Messi.
- Neymar đóng vai trò quan trọng, lôi kéo Messi đến với PSG.
- PSG hy vọng thương vụ Messi sẽ giúp họ thuyết phục Kylian Mbappe từ chối Real Madrid và cam kết tương lai lâu dài với CLB.
- Giới chủ PSG muốn tận dụng hình ảnh Messi để tối đa hóa những cơ hội thương mại cho kỳ World Cup 2022 tổ chức ở Qatar - ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có lẽ là cuối cùng trong sự nghiệp quần đùi áo số của ngôi sao này.
- Những quan chức của các CLB đối thủ đang xem xét đề xuất những biện pháp tài chính chống lại PSG và Man City.
Messi sau một năm
Messi đòi rời Barca hè năm ngoái bằng bản burofax gửi ban lãnh đạo CLB.
Tháng 8/2020, Messi làm thế giới bóng đá rúng động, khi tuyên bố anh muốn rời Barca, và có quyền làm điều đó dưới dạng chuyển nhượng tự do bởi một điều khoản trong hợp đồng.
Trong suốt hơn 10 ngày không tưởng ấy, Messi cùng cha liên tục trao đổi với Barca, cũng như Man City và PSG. Ban đầu, phía Messi thật sự muốn nói lời chia tay với CLB xứ Catalonia, trước khi chấp nhận ở lại vì không muốn đưa vụ việc ra toà.
Anh hoàn tất năm cuối trong hợp đồng với Barca, ghi 38 bàn và sau đó dẫn dắt Argentina đến với chức vô địch Copa America hồi tháng Bảy.
Trong suốt mùa hè 2021, tương lai của Messi một lần nữa được nhắc tới, sau khi hợp đồng của anh với Barca hết hạn lúc 24h ngày 30/6. Nhưng tất cả đều tin rằng anh sẽ lại ký vào hợp đồng mới với Barca. Bài toán đau đầu nhất vẫn là mức lương mà Messi từng nhận được trước đó. Nhưng hai bên đã tìm ra cách để thỏa mãn tất cả. Theo đó, Messi và cha đồng ý ký hợp đồng mới có thời hạn năm năm, với mức lương giảm 50% so với hợp đồng cũ.
Tuy nhiên, đã không có một ký kết nào diễn ra.
Vào cuối ngày 5/8, Barca phát đi một thông báo rằng cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử của họ sẽ ra đi sau 21 năm gắn bó. Lý do mà chủ sân Camp Nou đưa ra là "những trở ngại về tài chính và cấu trúc lương theo quy định từ La Liga". Họ còn nói thêm rằng "cả hai bên đều tiếc nuối, bởi mong muốn của Messi lẫn CLB cuối cùng đã không thể thành hiện thực". Và ngay cả khi Messi rời Camp Nou, Barca vẫn phải tiếp tục giảm tải quỹ lương nếu muốn đăng ký được các tân binh như Memphis Depay, Sergio Aguero, Eric Garcia hay Emerson Royal vào đội hình đá mùa giải sắp khởi tranh.
Bất chấp nguyên nhân đến từ bức tranh tài chính ảm đạm của Barca, vẫn còn đó những hoài nghi liên quan đến tuyên bố của CLB này. Giới quan sát, gồm cả các quan chức cấp cao ở những CLB đối thủ, cho rằng nguyên nhân ẩn sâu còn là một cuộc chiến quyền lực giữa Barca với Chủ tịch La Liga, ông Javier Tebas.
Thông báo của Barca về việc không ký hợp đồng với Messi, thoạt đầu, được xem là một động thái dằn mặt của CLB xứ Catalan sau việc La Liga của Chủ tịch Tebas ký thoả thuận với CVC.
Căng thẳng leo thang khi cuộc chia tay Messi diễn ra đúng lúc La Liga đạt thỏa thuận đầu tư trị giá 3,2 tỷ USD từ quỹ đầu tư CVC. Theo các điều khoản của thỏa thuận hợp tác này, vốn đã được Ủy ban Điều hành La Liga phê duyệt, hai giải đấu cao nhất trong thứ bậc kim tự tháp bóng đá Tây Ban Nha - Primera Liga và Segunda Division - sẽ bán đi 10% quyền khai thác thương mại của họ trong 50 năm, và đổi lại, 90% khoản tiền từ 3,2 tỷ USD sẽ chảy thẳng vào túi các CLB này.
Tuy vậy, Real và Barca - hai CLB không có đại diện được mời ngồi vào Ủy ban Điều hành thông qua ký kết nói trên - đều phản đối. Họ cho rằng đó là một sự "thế chấp" tương lai và làm giảm đi tiềm năng thương mại của họ khi đàm phán bản quyền truyền hình với các đối tác.
Vì vậy, đã có những nghi vấn, phải chăng tuyên bố chia tay Messi của Barca, vốn được phát đi gần sát thời điểm Real ra thông báo phản đối thỏa thuận giữa La Liga với CVC, là một phần của chiêu trò lừa gạt?
Đến nay, không có động thái nào từ các bên liên quan cho thấy tồn tại thuyết âm mưu ấy. La Liga, ngay cả khi đã mất Messi, vẫn đang giữ vững lập trường của họ. Hợp đồng với CVC vẫn tồn tại và chờ đợi được chính thức thông qua từ cuộc bỏ phiếu của các CLB những ngày tới.
Và khi mà hiện thực dần phơi bày, Messi cần phải bước tiếp và tìm kiếm những bến đỗ mới cho tương lai.
Cơ hội cho PSG
Những diễn biến thay đổi đến chóng mặt. Mới thứ Năm tuần trước, Chủ tịch PSG Al-Khelaifi còn nói với các bên thân tín rằng ông không tin có thể chiêu mộ Messi. Nhất là khi những cuộc đàm phán vào mùa hè năm ngoái đã không mang lại kết quả nào.
Nhưng rồi, một cuộc gọi đã làm thay đổi tất cả. Messi điện thoại cho HLV trưởng của PSG, cũng là đồng hương với anh, Pochettino. Anh nói rõ, rằng mình muốn đến PSG. Ngay lập tức, thông điệp ấy được cựu HLV của Tottenham chuyển tới ban lãnh đạo PSG.
Động lực của Messi đương nhiên một phần nằm ở khía cạnh tài chính. Nhưng anh cũng muốn làm việc với Pochettino, và ở PSG còn có cả đồng đội cũ Neymar - người từng "rủ rê" anh năm trước.
Khi đó, các quan chức cấp cao của PSG cho rằng bối cảnh đại dịch sẽ khiến chi tiêu của CLB trên thị trường chuyển nhượng bị hạn chế trong hè 2021. Nhưng chỉ cần Messi thật sự có ý định muốn gia nhập PSG, Al-Khelaifi và các đồng sự sẽ tìm mọi cách để hoàn tất thương vụ.
Đến thứ Bảy 7/8, Neymar được các nguồn tin mô tả là tỏ ra vô cùng "phấn khích" trước viễn cảnh tái ngộ cùng Messi.
Messi vẫn luôn mong muốn tiếp tục ở lại Camp Nou, như phát biểu trong cuộc họp báo chia tay mới đây. Nhưng anh cũng mệt mỏi trước cuộc đấu chính trị vốn luôn tồn tại ở Catalonia. Gia nhập PSG cũng sẽ là một cơ hội lớn để anh giành Champions League - danh hiệu lảng tránh Messi sáu mùa gần nhất.
Ngay trong thứ Sáu tuần trước 6/8, quá trình đàm phán được xúc tiến. Al-Khelaifi nhận được lời khuyên từ Trưởng Bộ phận Tiếp thị - Tài trợ của CLB Marc Armstrong - người sẽ phụ trách khai thác những giá trị thương mại mà ngôi sao người Argentina có thể mang lại cho PSG.
Armstrong là cựu phó chủ tịch tiếp thị của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA và cựu giám đốc thương mại của giải bầu dục nhà nghề Mỹ NFL. Dù các tính toán không được công bố, PSG tin rằng nếu chiêu mộ thành công Messi, nguồn thu từ hợp đồng tài trợ, bán vé, các tour du lịch và giá trị của chính giải vô địch quốc gia Pháp - Ligue 1 - sẽ gia tăng. Do đó, PSG lạc quan rằng Messi sẽ mang lại quả ngọt cho họ trong vài năm tới.
Tương lai nào cho Mbappe
Vụ tuyển mộ Messi cũng bị đặt dưới lăng kính hoài nghi và dè dặt. Câu hỏi đặt ra là làm sao PSG có thể ký hợp đồng với Messi, mà vẫn không vi phạm những khuôn khổ của Luật Công bằng Tài chính (FFP) từ UEFA. Đội bóng Pháp này đang phải trả lương 31 triệu euro sau thuế cho Neymar, cũng như còn có một Mbappe mà chắc chắn mức đãi ngộ không thể bèo bọt.
Trong những ngày đã qua, PSG luôn khẳng định rằng sự xuất hiện của Messi sẽ không ảnh hưởng đến tương lai của Mbappe. Bất chấp Real theo đuổi và không giấu diếm tham vọng chiêu mộ tiền đạo người Pháp, PSG tin rằng Mbappe sẽ ký tiếp hợp đồng với họ.
Tuyển mộ Messi được xem là bước đi quan trọng để PSG giữ chân Mbappe cho tham vọng chinh phục vinh quang sắp tới. Ảnh: Marca
PSG hiểu vì sao Mbappe luôn trì hoãn đàm phán gia hạn cho đến sau Euro 2021. Tiền đạo Pháp hy vọng màn trình diễn của anh ở giải đấu sẽ giúp gia tăng giá trị bản thân trong mắt các CLB châu Âu. Nhưng mong muốn ấy không thành sự thật khi Pháp bị Thuỵ Sĩ loại ngay vòng 1/8.
Bất chấp điều đó, PSG vẫn tìm cách gia hạn hợp đồng với Mbappe. Giờ đây, sau khi chiêu mộ Messi, họ càng có lý do để thuyết phục Mbappe tiếp tục ở lại.
Những tiềm năng thương mại mà Messi mang đến cũng khiến PSG tự tin có thể bù đắp cho khoản chi phí đã bỏ ra trong việc ký hợp đồng với anh. Từ đó, các báo cáo tài chính vẫn sẽ nằm trong khuôn khổ cho phép của Luật Công bằng Tài chính FFP.
Sau khi Juventus chiêu mộ Cristiano Ronaldo hè 2018, CLB Italy tăng giá vé, tái đàm phán với các đối tác tài trợ, nâng cao các giao dịch hiện có, đồng thời gia tăng phát triển trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận nhiều hơn với các đối tác thương mại tiềm năng. Cách làm tương tự cũng được mong đợi sẽ xuất hiện ở PSG. Các dữ liệu nội bộ liên quan đến tiếp thị cho thấy, có tới 10% khách du lịch đến thành phố Barcelona là để xem bóng đá và theo dõi Messi. Đấy chính là động lực cho PSG và thủ đô Paris.
Chính phủ Pháp cũng được cho là ủng hộ PSG. Những người đứng đầu nền bóng đá xứ lục lăng kỳ vọng sự hiện diện của Messi sẽ góp phần làm tăng đáng kể sức hút của Ligue 1, cũng như giúp giá trị bản quyền truyền hình của giải đấu được cải thiện.
Ngay từ trước khi nhận thấy khả năng chiêu mộ Messi, PSG cũng lập tức cân nhắc sẽ thanh lý 10 cầu thủ trong hè này, hòng giảm quỹ lương xuống mức có thể kiểm soát.
CLB thủ đô nước Pháp hy vọng họ sẽ có thể đẩy đi được những cái tên như Abdou Diallo, Thilo Kehrer, Idrissa Gueye và Rafinha. Những gương mặt khác, như Mauro Icardi hay Ander Herrera, dù cũng thuộc diện có thể bị chuyển nhượng, đã bày tỏ mong muốn được ở lại. Có lẽ, những ngày còn lại của tháng Tám sẽ là giai đoạn rất bận rộn với Al-Khelaifi và Giám đốc Thể thao Leonardo.
Ngày đầu của Messi ở PSG. Video: PSG.fr
Một món hời và Pogba phải đợi
PSG vốn dĩ rất hài lòng với phiên chợ hè 2021. Lần lượt, Gianluigi Donnarumma từ AC Milan, Sergio Ramos từ Real Madrid và Georginio Wijnaldum từ Liverpool đã đến theo chuyển nhượng tự do. Bên cạnh đó, PSG còn chiêu một hậu vệ cánh 22 tuổi Achraf Hakimi từ Inter với giá 70 triệu USD.
Nhưng tuyển mộ Messi vẫn là một cơ hội không thể bỏ qua.
Thứ Sáu tuần trước 6/8, Al-Khelaifi đã điện đàm với ông Jorge. Đến chiều hôm đó, thỏa thuận bắt đầu được xúc tiến.
Sau cuộc họp báo của Chủ tịch Barca Joan Laporta, phía PSG càng tỏ ra lạc quan trước viễn cảnh sẽ sở hữu Messi, vì khả năng về một cú "quay xe" gần như bị gạt bỏ.
Đến với PSG, Messi sẽ nhận được phí lót tay 25 triệu euro, cũng như mức lương sau thuế là 25 triệu euro mỗi mùa trong suốt thời hạn hợp đồng. Thỏa thuận bao gồm một điều khoản cho phép gia hạn một năm với mức lương không đổi. Đại diện pháp lý của Messi được cho là đã đến Paris vào hôm thứ Bảy.
Dẫu vậy, cũng hôm đó, PSG vẫn còn chút lo lắng. Họ e ngại Chelsea sẽ tiếp cận gia đình Messi, từ đó, khiến ngôi sao Argentina đưa ra những yêu cầu mới trong hợp đồng. Nhưng các nguồn tin sau đó đều phủ nhận việc nhà ĐKVĐ Champions League sẽ nhảy vào cuộc đua tranh Messi.
PSG cũng lường trước động thái chuyển nhượng của họ sẽ càng dấy lên làn sóng chỉ trích từ các CLB đối thủ. Gã nhà giàu nước Pháp sẽ không cảm thấy quá bất ngờ, nếu các giám đốc điều hành ở những CLB lớn khác của châu Âu tìm cách đề xuất những biện pháp tài chính, áp đặt lên hạn mức chi tiêu đối với những Man City hay PSG.
Dù thế nào đi chăng nữa, nội bộ PSG vẫn tin họ sẽ có món hời khi chiêu mộ Messi. Đặc biệt là nếu so sánh với hè 2020 - khi chi phí ước tính để ký hợp đồng dài hạn với Messi có thể lên tới nửa tỷ euro. Cả Man City lẫn PSG lúc đó đều xuất hiện trên bàn đàm phán. Giờ đây, sự kiên nhẫn của PSG có thể nói là sắp được đền đáp. Chi phí bỏ ra cũng giảm đi đáng kể so với một năm về trước.
Hè năm ngoái, PSG đã cân nhắc lại chính sách chuyển nhượng của họ, đó là tập trung vào những cầu thủ chất lượng sắp hết hợp đồng, hoặc những cầu thủ trẻ giàu tiềm năng xứng với mức phí khổng lồ.
Thương vụ Messi cũng đồng nghĩa rằng PSG phải từ bỏ mục tiêu tuyển mộ Paul Pogba hè này. Họ sẽ chờ đến khi hợp đồng của tiền vệ người Pháp với Man Utd hết hạn trong hè 2022, và Pogba trở thành cầu thủ chuyển nhượng tự do.
Quyền lực mềm
Bên cạnh những giá trị thể thao và thương mại mà PSG có thể thu về từ Messi, thương vụ này còn mang đến một sức ảnh hưởng khác.
PSG vốn thuộc sở hữu của những nhà đầu tư tới từ Qatar. Chủ sở hữu thật sự của CLB nước Pháp là Tamim bin Hamad Al Thani, Tiểu vương và cũng là nguyên thủ quốc gia Qatar.
18 tháng tiếp theo sẽ là giai đoạn quan trọng với Qatar khi họ muốn quảng bá và giới thiệu hình ảnh đất nước đến thế giới thông qua vòng chung kết World Cup 2022. Cũng chính từ nhu cầu về quyền lực mềm mà Qatar quyết đỉnh thâu tóm PSG một thập kỷ trước.
Với một quốc gia đã luôn tồn tại những căng thẳng trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng như Saudi Arabia, Qatar cảm thấy giá trị mà Messi có thể mang lại cho họ. Nhất là khi hồi đầu năm 2021, có thông tin rằng Hội đồng Du lịch Saudi Arabia từng muốn tiếp cận Messi để biến anh trở thành một gương mặt đại diện cho thương hiệu của họ.
Các nguồn tin thân cận mà The Athletic có được cho biết trong thỏa thuận giữa Messi với PSG không có điều khoản bắt buộc ngôi sao người Argentina phải góp mặt ở World Cup 2022. Bởi không cần điều đó, Messi – ở độ tuổi 35 vào năm sau – gần như sẽ không thể bỏ lỡ kỳ World Cup có thể sẽ là cuối cùng trong sự nghiệp của anh.
Còn với riêng cá nhân Nasser Al-Khelaifi, 2021 sẽ trở thành một năm "phi thường", khi ông nổi lên như là một trong những lãnh đạo CLB có tiếng nói nhất ở châu Âu. Khi Super League ra đời vào tháng Tư, PSG cùng với Bayern và Dortmund là ba CLB lớn từ chối tham gia.
Sau cuộc ly khai bất thành ấy, Al-Khelaifi đã trở thành Chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) - tổ chức đại diện cho quyền lợi của các CLB thường xuyên tranh tài ở các Cup châu Âu. Và có được Messi, Al-Khelaifi càng tin tưởng hơn vào một tham vọng mà ông đã hằng khát khao: Đưa PSG đến với miền đất hứa là chức vô địch Champions League.
Hoàng Thông (theo The Athletic)