Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại nhóm 3 Davis Cup vừa diễn ra ở Hong Kong đặt ra cho Liên đoàn quần vợt VN cùng những người có trách nhiệm một vấn đề lớn: làm thế nào để quần vợt nước ta không mãi kém cỏi mỗi khi so tài với quốc tế.
Tại vòng loại Davis Cup, Việt Nam cũng có những trận chơi hay như vượt qua các đối thủ Tây và Nam Á như Qatar, Bahrain, Sri Lanka, nhưng lại thúc thủ trước chủ nhà Hong Kong và đặc biệt là đối thủ cùng khu vực Malaysia. HLV trưởng Trần Trọng Anh Tú giải thích: "Kết quả này chúng tôi đã tiên liệu trước, vì mặc dù Việt Nam cũng đặt quyết tâm là lên hạng để các VĐV phấn đấu, nhưng Hong Kong vẫn nhỉnh hơn chúng ta, còn đội Malaysia có 2 tay vợt chủ lực đều mạnh mà 2 tay vợt đánh đơn của VN chưa thể sánh bằng. Nếu chúng ta thật sự đồng đều hơn nữa về trình độ 2 tay vợt chính, cụ thể có thêm một hoặc hai Đỗ Minh Quân nữa thì trận đôi VN có thể có hy vọng hơn". Ngoài ra, ông Tú còn nhìn nhận, tâm lý thi đấu chưa ổn định vẫn còn là điểm yếu của đội Việt Nam. Do vậy, chúng ta có những trận đánh rất "bốc", lại có trận bị "khớp" nên chơi thiếu tự tin.
Kết quả trên cho thấy, điều quan trọng nhất hiện nay của quần vợt Việt Nam là phải đào tạo VĐV bài bản và làm thế nào để họ thường xuyên được cọ xát tại các giải quốc tế. Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt VN Trần Ngọc Lịnh nhìn nhận: "Không phải VN không có tài năng đủ sức đương đầu với quốc tế, bằng chứng là giải U14 châu Á, các tay vợt trẻ của chúng ta đã có một kết quả tương đối thuyết phục. Nhưng sau giải này, họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu một môi trường huấn luyện ở đẳng cấp cao hơn. Nhiều gia đình phải tự bươn chải lo cho con em mình (như trường hợp Đỗ Minh Quân). Nhưng những cố gắng này chỉ là giải pháp tình thế, chưa mang lại hiệu quả nhất định".
Còn việc tạo cơ hội cho các VĐV được thi đấu quốc tế thường xuyên là rất cần thiết, nhưng vấn đề là sau những cuộc thi đấu đó Liên đoàn quần vợt VN và những nhà chuyên môn vẫn chưa rút ra được điều gì để giúp các em có thể tích lũy, nâng cao thể lực, điều chỉnh hoặc thay đổi lối đánh một cách tích cực. Một thực tế khác là quần vợt nước ta quá thiếu HLV giỏi. Trong khi các nước Đông Nam Á mời những HLV tên tuổi về huấn luyện hoặc gửi VĐV đi đào tạo dài hạn ở Mỹ hoặc châu Âu, thì trong 5 đến 7 năm qua, quần vợt VN vẫn cứ loay hoay với một vài HLV nội mà trình độ cũng đã "đội nóc".
Có một vấn đề khác là kết quả những chuyến đi tập huấn ngắn hoặc dài hạn ở nước ngoài vẫn chưa có người chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, để có thể đánh giá chính xác sự tiến bộ hay không của VĐV. Thời gian qua, Liên đoàn quần vợt VN có vẻ như buông lỏng vấn đề này, thiếu sâu sát hoặc khoán gọn cho HLV dẫn đội chịu hết mọi công việc từ A đến Z. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng trách nhiệm dồn lên người thày quá lớn, họ sẽ bị vướng vào những công việc sự vụ và không đủ thời gian cần thiết để tập trung cho công tác chuyên môn, đó là chưa kể có dư luận cho rằng thông tin từ những chuyến tập huấn này hay dễ bị nhiễu.
Trong thời gian qua, Liên đoàn đã có chuyển biến trong việc tổ chức khá nhiều giải đấu dành cho lứa tuổi trẻ, kết hợp với Prudence thành lập quỹ đào tạo tài năng trẻ. Nhưng tất cả những điều này chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực một khi giải quyết được tận gốc những tồn tại và bất cập mà bấy lâu nay quần vợt VN vẫn đang phải gánh chịu. Nếu không làm được điều này thì có lẽ chẳng bao giờ quần vợt VN có thể tìm lại thời vàng son của những Võ Văn Bảy, Võ Văn Thành của hơn 30 năm trước đây.
Theo www.Vnexpress.net