Được liệt vào những môn có số lượng giải đấu khiêm tốn trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao năm 2008 (8 giải, trong đó có hơn nửa là giải nữ), Quyền anh Việt Nam dù nhận được rất nhiều sự ủng hộ, cổ vũ của ngành TDTT, NHM cả nước thì vẫn chưa đủ để tạo được cú huých cho sự phát triển lâu dài của môn võ thuật này.
Sau một thời gian dài gián đoạn và có thể nói là bị quên lãng, nửa thập kỷ lại đây Quyền anh Việt Nam đã được phép hoạt động trở lại trên phạm vy cả nước và bắt đầu quá trình phát triển của mình. Với quãng thời gian chuẩn bị ít ỏi và còn non yếu về nhiều mặt, Quyền anh Việt Nam đã mạnh dạn hội nhập khu vực và tạo được ấn tượng mạnh khi giành 3 tấm HCĐ quý giá tại SEA Games 22 trên sân nhà (số lượng ngang bằng cả 3 kỳ SEA Games 1989, 1991 và 1993 của các võ sĩ Việt Nam gộp lại). Đây là thành tích cao nhất của Quyền anh Việt Nam từ trước tới nay.
|
Quân đội là một trong những đơn vị có phong trào Quyền anh phát triển mạnh
(Ảnh: Bắc Nam) |
2 năm sau, tại SEA Games 23 trên đảo Bacolog, tuy chưa thể có HCV, nhưng các võ sĩ Việt Nam tiếp tục gia tăng số lượng huy chương (2 HCB và 4 HCĐ). Thành tích ấy như một nguồn động viên to lớn, tiếp tục mở ra những niềm hy vọng mới cho Quyền anh nói chung và cho những người hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng, rằng: Quyền anh Việt Nam còn có thể vươn xa hơn nữa, đạt được những mục tiêu táo bạo hơn - là vị trí độc tôn (dù chỉ ở một vài hạng cân nào đó) tại đấu trường khu vực.
Tuy nhiên, đến SEA Games 24 tại Thái Lan, số lượng huy chương có tăng (11 huy chương), nhưng chất lượng đi xuống (chỉ có 1 HCB nhưng có tới 6 HCĐ của nữ và 4 HCĐ của nam, trong số đó gần một nửa lượng HCĐ đều từ kết quả bốc thăm) đã như một dấu hiệu cảnh báo với những Nhà quản lý về việc cần sớm có một kế hoạch phát triển lâu dài và vấn đề VĐV kế cận là bài toán then chốt cho tất cả các mục tiêu đó.
Trở lại giải Quyền anh nam trẻ toàn quốc năm nay (diễn ra từ ngày 14 đến 19/7 tại NTĐ Hà Đông - Hà Tây), các nhà chuyên môn đều có chung một nhận định là chất lượng chuyên môn của giải, nhất là trình độ của các VĐV trẻ có tăng, một số gương mặt được kỳ vọng đều thi đấu thành công nhưng vẫn chưa tạo được sự đột biến cần thiết. Để có thể tham dự các giải đấu lớn, đòi hỏi lực lượng VĐV phải thực sự tinh nhuệ và được đào tạo cơ bản nhưng nay đa phần tại các CLB, địa phương nguồn cán bộ phục vụ cho môn này còn hạn chế nên khó có thể đạt được chất luợng như mong muốn.
Hơn nữa, để chọn lựa được số ít những cá nhân xuất sắc từ lực lượng VĐV trẻ kế cận cũng không mấy dễ dàng. Chẳng thế mà có Nhà quản lý lĩnh vực này đã nói "đào tạo hàng trăm VĐV, từ tuyến cơ sở đến trung ương cũng chỉ lọc ra được khoảng 10 VĐV là tốt lắm rồi. Muốn có đội tuyển quốc gia hùng hậu, công tác đào tạo VĐV trẻ phải đặc biệt được chú trọng, nhất là phải tạo điều kiện để các võ sỹ thường xuyên được cọ xát thi đấu". Thực trạng đáng buồn đó cũng đã chỉ ra những nguyên nhân cần nhanh chóng được khắc phục và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng nguồn kinh phí hoạt động, nâng cao đội ngũ cán bộ, HLV, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, có chế độ đãi ngộ hợp lý... là điều rất cần thiết.
Nhưng ngay tại thời điểm này, khi ngành TDTT còn nhiều khó khăn, nhiều môn thế mạnh khác cũng chịu chung cảnh ngộ thì Quyền anh Việt Nam cần xác định rõ đâu là biện pháp trọng yếu nhất để nâng cao trình độ của các VĐV... Năm nay, dù không có những giải đấu quốc tế quan trọng và vừa tầm nhưng với Quyền anh Việt Nam năm 2008 được coi là năm gối vụ để chuẩn bị cho mục tiêu giành Vàng tại SEA Games 25 tại Lào.
Hy vọng, với quãng thời gian hơn 1 năm, Quyền anh Việt Nam kịp đưa ra những động thái cần thiết để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.
Thiên Hà