Hôm qua 8/4, giải Quyền anh Cúp CLB toàn quốc lần thứ 7 năm 2008 đã kết thúc. Bên cạnh những chuyển biến tích cực về mặt chuyên môn, chúng ta nhận thấy rõ một điều để phát triển môn thể thao này cần nhanh chóng tiến hành công tác xã hội hoá TDTT.
Điểm lại quãng thời gian phát triển của Quyền anh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những thành tích mà đội tuyển Quyền anh Việt Nam đạt được như: 3 tấm HCĐ quý giá tại SEA Games 22 trên sân nhà – số lượng ngang bằng cả 3 kỳ SEA Games 1989, 1991 và 1993 của các võ sĩ Việt Nam gộp lại. 2 năm sau, tại SEA Games 23 trên đảo Bacolog, tuy chưa thể có HCV, nhưng các võ sĩ Việt Nam tiếp tục gia tăng số lượng huy chương (2 HCB và 4 HCĐ)... Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, NHM vẫn chưa thực sự thoả mãn với những thành tích mà Quyền anh đã đạt được. Đặc biệt, những dấu hiệu cho thấy sự trồi sụt về thành tích của Quyền anh Việt Nam tại SEA Games 24 (số lượng huy chương có tăng - 11 huy chương, nhưng chất lượng đi xuống, chỉ giành được 1 HCB và có tới 6 HCĐ của nữ, 4 HCĐ của nam, trong số đó gần một nửa lượng HCĐ đều từ kết quả bốc thăm) đã khiến NHM lo lắng cho tương lai của môn này...
Tại sao lại có thực trạng đáng buồn như thế khi Quyền anh đã có gần nửa thập kỷ gây dựng và phát triển trở lại. Câu hỏi này không quá khó để tìm lời giải đáp: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, lực lượng các võ sỹ nam đã được trẻ hoá, lớp VĐV của thời SEA Games 22 đã gần như không còn, hoặc phong độ cũng không còn ổn định là một trong những nguyên nhân khiến thành tích của Quyền anh Việt Nam ngày càng đi xuống. Tuy nhiên, việc xây dựng một lực lượng trẻ kế cận, đòi hỏi tốn kém nhiều kinh phí và sự phối hợp tốt từ địa phương lại chưa được thực sự được quan tâm.
Hơn nữa, một thực tế thấy khá rõ ở Bóng đá và Bóng chuyền là công tác xã hội hoá TDTT được nâng lên một bước đáng kể. Nhờ làm tốt công tác này mà nhiều năm trở lại đây, 2 môn này đã ngày càng phát triển và nhận được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân... Nhưng ở môn Quyền anh - môn thể thao luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của người hâm mộ trên toàn thế giới nói chung và không ít người Việt Nam nói riêng, công tác xã hội hoá vẫn chưa thực sự tận dụng được hết tiềm năng.
Chính vì thế, ngay thời điểm này, các nhà hoạch định môn thể thao này phải tính toán lại phương pháp của mình, đặc biệt là sớm hoàn thiện công tác xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ để thành lập Liên đoàn Quyền anh Việt Nam (dự kiến cuối năm 2007 sẽ tiến hành Đại hội nhưng vẫn thực hiện được). Ngoài ra, Quyền anh Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi lo về vấn đề kinh phí, do vậy phải có sự tính toán kỹ lưỡng để có thể cử võ sĩ tham dự thật nhiều giải quốc tế nhằm cọ xát, nâng cao trình độ cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để vực dậy thành tích của Quyền anh Việt Nam.
Cuối cùng, phải làm sao để có thể quy tụ toàn bộ sức lực, tinh hoa của lực lượng HLV trên toàn quốc, “thổi” sức cho mặt bằng đội tuyển quốc gia là điều hết sức quan trọng và cần nhanh chóng tiến hành. Xem ra, nếu không có những động thái mạnh mẽ, rất có thể Quyền anh Việt Nam sẽ còn thụt lùi hơn nữa trong tương lai.
Thiên Hà