Kể từ khi nâng tổng số đội dự World Cup lên con số 32 ở World Cup 1998, các vòng chung kết bóng đá thế giới đã chứng kiến một sự trùng hợp lạ kỳ ở những trận đấu cuối cùng.
Bắt đầu từ France 98, 2 đội bóng đi tới trận đấu cuối cùng là Brazil (bảng A) và Pháp (bảng C). 4 năm sau đó, trận chung kết World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc là cuộc chạm trán giữa Brazil (bảng C) và Đức (bảng E). Một điều trùng hợp: 1 trong 2 bảng đấu có đội đá chung kết World Cup liền trước sẽ tiếp tục có đội đá chung kết World Cup 4 năm sau đó.
Quy luật này tiếp tục đúng với World Cup 2006, khi trận chung kết có sự hiện diện của 1 đội bóng ở bảng E, và cũng đồng thời là ĐKVĐ của giải đấu: ĐT Italia. Năm đó, Azzurri đã chạm trán Pháp (bảng G) ở trận đấu cuối cùng.
4 năm sau World Cup 2006, trận chung kết lại chứng kiến sự hiện diện của một đội bóng thuộc bảng E: ĐT Hà Lan. Cơn lốc màu da cam đã so tài cùng Tây Ban Nha (bảng H), và theo quy luật trên, rất có thể trận chung kết năm nay sẽ lại có 1 đại diện đến từ bảng E hoặc H ở trận đấu cuối cùng.
Hai đội bóng hạt giống ở 2 bảng này là Pháp và Bỉ đều không được đánh giá quá cao trước giải. Gà trống Gaulois tới Brazil sau khi "hút chết" trước Ukraine ở trận play-off khu vực châu Âu. Trong khi đó, Quỷ đỏ bắc Âu dù đang sở hữu rất nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới như Vincent Kompany, Eden Hazard hay Thibaut Courtois, nhưng đẳng cấp của họ vẫn cần được kiểm chứng thêm bởi họ đã tới World Cup 2014 nhờ một bảng đấu quá dễ dàng ở vòng loại.
Tuy nhiên, lịch sử vẫn rất đáng để xem xét, và nhờ "tiếng nói" của 4 vòng chung kết trước, người ta nhận thấy cơ hội đi đến trận chung kết của Pháp và Bỉ lớn hơn nhiều so với Brazil, Tây Ban Nha hay Hà Lan, những đội bóng ở bảng A và B.
Trong 12 ứng cử viên vô địch World Cup 2014 gồm: Brazil, Tây Ban Nha, Hà Lan, Colombia, Uruguay, Italia, Anh, Pháp, Argentina, Đức, Bồ Đào Nha, và Bỉ thì có tới 7 đội rơi vào nhánh trên của vòng đấu loại trực tiếp (nghĩa là nằm từ bảng A đến bảng D). Như vậy, về mặt lý thuyết, nhóm hạt giống này sẽ phải tự loại nhau trước khi gặp 1 đại diện của nhánh dưới (từ bảng E đến bảng H). Và do đó, cơ hội của Pháp và Bỉ tăng lên.
Thêm một lý do nữa khiến những người ủng hộ thuyết âm mưu tin tưởng ở khả năng tiến xa của Pháp và Bỉ là... chu kỳ thành công của đội bóng áo lam. Năm 1998, họ vào chung kết lần đầu và vô địch. 8 năm sau, Gà trống Gaulois tiếp tục đá trận cuối (dù bị thua trên chấm phạt đền). Quy luật này, nếu tiếp tục ứng nghiệm, sẽ "hiển linh" ở World Cup 2014 cùng thầy trò Didier Deschamps.
Tất nhiên mọi tính toán chỉ là để... cho vui. Nhưng ngay từ lúc này, Cristiano Ronaldo và Lionel Messi - 2 ngôi sao lớn nhất tại World Cup 2014 bắt đầu cảm thấy "méo mặt". Số là họ cùng nằm ở nhánh dưới của vòng đấu loại trực tiếp, do đó, nếu Pháp hoặc Bỉ vào chung kết, đương nhiên Bồ Đào Nha và Argentina sẽ phải dừng bước từ trước đó.
Và nếu điều đó xảy ra, người ta sẽ buộc phải tin vào lời nguyền World Cup, hệt như tin vào nỗi ám ảnh mất ngôi vương ở Champions League.
Theo VTC