Minh Nguyệt (sinh năm 1986) thuộc lứa cầu thủ giao thời sau thế hệ Kim Chi, Mai Lan, Ngọc Anh, Bùi Tuyết Mai, Ngọc Châm, Kim Hồng, Kiều Trinh… Khi các đàn chị còn thi đấu hoặc đang ở phong độ cao, Minh Nguyệt - dù là tiền đạo chủ lực của ĐT nữ Việt Nam suốt 5 năm qua kể từ SEA Games 2009 - vẫn chưa bao giờ lọt vào Top 3 danh sách bầu chọn QBV.
Đến khi các đàn chị giải nghệ, hoặc bị chấn thương (Kim Hồng) hay phong độ giảm sút (Kiều Trinh), Minh Nguyệt mới nổi lên như một trụ cột không thể thay thế của ĐT Nữ Việt Nam lẫn CLB Hà Nội 1. Giải VĐQG 2013, Minh Nguyệt góp công lớn đưa Hà Nội 1 giành chức vô địch và bản thân chị đoạt danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”.
Đến SEA Games 27, Minh Nguyệt đóng vai trò tiền đạo số 1 và ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐT Nữ Việt Nam (5 bàn), trong đó có 1 bàn ở trận chung kết với Thái Lan.
Cái giá phải trả cho nỗ lực không mệt mỏi đó của Minh Nguyệt là sau khi từ Myanmar trở về, đầu gối phải của Minh Nguyệt mắc chứng viêm sụn chêm, tràn dịch trong do hậu quả của việc thi đấu quá tải cũng như di chứng vết mổ nối dây chằng chéo bị đứt hồi năm 2010.
“Bác sỹ Thủy của đội thông báo, do thi em đấu quá tải nên đầu gối không kịp phục hồi nên phải cần nghỉ ngơi nếu không thì chỗ tổn thương ở sụn sẽ bị hoại tử không lành được” - Minh Nguyệt kể trong lần ngồi trên khán đài làm CĐV bất đắc dĩ cho các đồng đội ở CLB Hà Nội 1 tại lượt đi giải VĐQG 2014 ở sân Thống Nhất hồi tháng 3/2014.
Những tổn hại về thể xác sau nhiều chấn thương nặng đã khiến Minh Nguyệt cảm thấy rất mệt mỏi. Dù vậy, là đầu tàu của CLB Hà Nội 1 cũng như phải gánh vác kinh tế gia đình khiến cô gái quê ở Mỹ Đức (Hà Tây cũ) phải cố chạy theo quả bóng.
Minh Nguyệt tâm sự: “Những lúc mệt mỏi và đau đớn khi bị chấn thương em cũng rất nản lòng. Nếu như cách đây 4-5 năm sức khỏe em còn tốt, thi đấu dù chạy nhiều nhưng cơ thể rất nhẹ nhàng còn bây giờ khi tập nặng hay đá những trận căng sức, em phải cố gắng và thấy người rất mệt”.
Vì thể trạng đã không còn nghe theo sự điều khiển của cái đầu, Minh Nguyệt cho rằng đỉnh cao phong độ mà chị đạt được đã rơi vào năm 2013. Do đó, Minh Nguyệt rất hy vọng ở giải thưởng QBV, coi đó là một dấu ấn ghi nhận cho hơn 10 năm theo nghiệp quần đùi áo số. Khi nghe tin giải thưởng QBV năm 2013 không được tổ chức, Minh Nguyệt vừa buồn vừa tiếc nuối song chẳng biết làm sao
Minh Nguyệt
Ở đội Nữ Việt Nam hiện nay, có trung vệ Nguyễn Thị Nga từng lấy chồng rồi sinh con hồi năm 2011 và cứ tưởng sẽ an tâm giải nghệ làm công tác đào tạo trẻ và lo cho gia đình nhỏ. Thế nhưng, công việc huấn luyện bóng đá nữ ở đội Hà Nội thu nhập chỉ có 2 triệu/tháng, không thể lo nổi cuộc sống, đồng thời, lứa cầu thủ kế cận chưa đủ khả năng gách vác nhiệm vụ buộc Nga phải xỏ giày quay lại sân cỏ, khi được HLV trưởng Trần Vân Phát động viên. Cứ tưởng tượng, một phụ nữ vừa sinh con, nghỉ tập đến gần 2 năm phải nỗ lực đến cỡ nào mới có thể quay lại thi đấu đỉnh cao.
Tiền đạo Lê Hoài Thu (sinh 1983), gương mặt thi đấu nhiều năm cho ĐT Nữ Việt Nam, sau khi lấy chồng giải nghệ năm 2007 và sinh 2 đứa con cũng tái xuất năm 2012 chỉ vì chuyện “cơm áo gạo tiền”.
Đến giờ ở tuổi 31, Hoài Thu vẫn đóng vai trò tiền đạo số 1 của đội Than KSVN ở lượt đi giải VĐQG 2014 vừa rồi. Đồng đội của Nga ở đội Hà Tây trước đây là cựu thủ môn Quốc gia Thu Trang sau khi nghỉ 3 năm cũng rục rịch xỏ găng trở lại ở lượt về giải VĐQG 2014 vào tháng 7 sắp tới ở Nha Trang.
Cuộc sống sau khi treo giày của các cầu thủ nữ khắc nghiệt không kém gì khi họ còn thi đấu trên sân. Những tấm bằng Đại học TDTT, Cao đẳng Sư phạm TDTT nhiều khi vẫn chưa đủ giúp các nữ cầu thủ trong việc tìm một việc làm có thu nhập ổn định, đủ sống. Rất hiếm những cầu thủ giải nghệ có được cuộc sống, công việc thuận lợi như tiền đạo Bùi Tuyết Mai hay Đỗ Ngọc Châm của Hà Nội.