Brazil là đại diện của trường phái bóng đá tấn công đẹp mắt, vị nghệ thuật. Nhưng trên thực tế, hai chức vô địch thế giới gần đây của họ (1994, 2002) đều xuất phát từ lối chơi thực dụng, đặt nặng tính hiệu quả hơn là trình diễn. Ngay cả tại World Cup gần nhất vào năm 2010, Carlos Dunga cũng cổ xúy tu tưởng thực dụng cho dù Selecao năm đó chưa đủ lì lợm để tiến sâu (thua Hà Lan ở tứ kết).
Người Brazil đã và đang thay đổi để phù hợp với bóng đá hiện đại ngày càng khắc nghiệt. Và Scolari chính là đại diện tiêu biểu cho sự thay đổi đó. Ông là HLV đầu tiên sử dụng sơ đồ 2 tiền vệ phòng ngự cho ĐT Brazil tại World Cup 2002 (Klerberson và Gilberto Silva). Trong đội hình có bộ ba nguyên tử Ronaldo – Rivaldo – Ronaldinho, Scolari vẫn gò Brazil vào lối chơi khoa học, chặt chẽ. Và việc đánh bại một đối thủ thực dụng như Đức trong trận chung kết là minh chứng cho thành công của Big Phil.
Trong các HLV người Brazil, Scolari là người “châu Âu hóa” nhất xét về tư tưởng bóng đá. Cựu HLV Chelsea có phần nào giống Mourinho ở triết lý đề cao tính an toàn và hiệu quả trong lối chơi. Đó là lý do mà LĐBĐ Brazil đã bổ nhiệm Scolari vào năm 2012 cho tham vọng vô địch World Cup trên sân nhà. Giờ là lúc người Brazil cần thành tích, cần ngai vàng thế giới chứ không phải sự hào nhoáng của lối chơi.
Và cho đến lúc này, có thể khẳng định Scolari đang đi đúng lộ trình đã vạch ra. ĐT Brazil hiện tại không dồi dào ngôi sao tấn công nhưng là một cỗ máy được tổ chức khoa học và có tính hủy diệt cao. Chức vô địch Confederations Cup chứng minh điều đó khi vũ đoàn sam ba hạ bệ dễ dàng nhà ĐKVĐ TG TBN với tỷ số 3-0. Ngoài ra, Brazil đã thắng cả 7 trận giao hữu gần đây, ghi tới 23 bàn và chỉ thủng lưới 2 bàn.
Dễ thấy Scolari đề cao sự chắc chắn, hay cụ thể hơn là sức mạnh cơ bắp với những Thiago Silva, David Luiz, Ramires, Willian, Fernandinho, Fred trải đều ba tuyến. Nhưng thứ sức mạnh cơ bắp đó không đồng nghĩa với sự khô cứng trong lối chơi. Bởi đơn giản Brazil vẫn là Brazil. Những cầu thủ áo vàng xanh vẫn có thừa sự mềm mại, sáng tạo dựa trên nền tảng kỹ thuật điêu luyện. Trong đó, Neymar hay Oscar là những cá nhân đủ sức tạo ra khác biệt.
Tất nhiên, Brazil vẫn còn những hạn chế. Những trận giao hữu không phải bài test chính xác cho sức mạnh vũ đoàn samba. Ngoài ra, đội bóng của Scolari là một trong những đội Brazil thiếu kinh nghiệm nhất trong lịch sử World Cup với 17/23 tuyển thủ lần đầu tham dự một giải VĐTG.
Nhưng có thể nói Brazil đang hội đủ thiên thời địa lợi nhân hòa để lần thứ 6 đăng quang. Lợi thế sân nhà, khán giả nhà sẽ là cầu thủ thứ 12 cho đoàn quân áo vàng xanh. Các đối thủ lớn của Brazil như TBN, Đức, Italia cũng đang trong giai đoạn nhiều bất ổn. Cần nhắc lại rằng chưa bao giờ một đội châu Âu vô địch World Cup tổ chức trên đất Nam Mỹ.
Lịch sử đôi khi cũng góp tiếng nói quan trọng. Năm 2002, Real Madrid vô địch Champions League còn Brazil đăng quang World Cup tại Hàn Quốc – Nhật Bản. Đội hình cả hai năm đó đều chung hậu vệ trái Roberto Carlos. Phải mất 12 năm sau Real mới lại vô địch Champions League và tương tự Brazil cũng sẽ tìm lại ngai vàng World Cup? Nên nhớ một lần nữa họ lại chung vị trí hậu vệ trái là Marcelo.
Sau 12 năm, sẽ lại là Scolari đưa Brazil tới đỉnh vinh quang?
Nguồn Owen.com.vn