Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XI - 2009 sẽ diễn ra tại tỉnh Lai Châu từ ngày 27 đến 30/3. Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về "xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Bên cạnh các hoạt động văn hóa truyền thống và hoạt động quảng bá du lịch cho các tỉnh Tây Bắc, các họat động TDTT (chủ yếu là các môn thể thao dân tộc) cũng sẽ được tổ chức, bao gồm: Cầu lông (3 nội dung), Đẩy gậy (18 nội dung), Bắn nỏ (8 nội dung), Chạy Việt dã (4 nội dung), Kéo co (2 nội dung), Tung còn (3 nội dung) và Tù lu (2 nội dung). Trong đó, đặc biệt nhất là môn Tù lu - một trò chơi dân gian truyền thống rất phổ biến của người Hmông. Tù lu (con quay) được làm từ một loại cây rất cứng trên rừng, có đường kính từ 8-12cm, đầu nhọn làm điểm chạm của quay; đầu kia gọt bằng. Khi chơi, từng cặp thanh niên dùng dây cuốn con quay theo chiều tay thuận và cùng xuống quay để so tài. Ai có quay “sống” lâu hơn (con quay tự quay quanh mình) thì được quyền đánh tiếp, người có quay "chết" trước phải để quay làm điểm chọi cho người chơi. Ở cự ly khoảng vài mét, người chơi phải chọi trúng quay của đối phương mà không bị chết thì tiếp tục được vào vòng sau. Lần lượt trò chơi sẽ chọn được một người chiến thắng.
Các môn thể thao sẽ tổ chức tại SVĐ và Nhà thi đấu tỉnh Lai Châu. Để đảm bảo một sân chơi lành mạnh, công bằng cho đồng bào dân tộc, BTC Ngày hội đã quy định các VĐV đạt đẳng cấp 1, kiện tướng quốc gia hoặc HCV ở các giải trẻ, giải Vô địch quốc gia các môn Cầu lông, Điền kinh từ năm 2006 đến nay đều không được tham gia.
Về cơ cấu giải thưởng, BTC sẽ trao huy chương Vàng, Bạc, Đồng và giấy chứng nhận cho các VĐV đạt giải nhất, nhì, ba ở mỗi nội dung thi đấu cá nhân; huy chương Vàng, Bạc, Đồng và giấy chứng nhận cho các đoàn đạt giải nhất, nhì, ba ở nội dung đồng đội.
Tây Bắc gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình và Lai Châu có diện tích trên 5,64 triệu ha với 3,5 triệu dân. Đây là địa bàn cư trú bản địa lâu đời vốn gắn bó đoàn kết của hơn 30 dân tộc như: Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy... Việc đưa 7 môn thể thao vào chương trình thi đấu tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc - 2009 không chỉ góp phần động viên, thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu TDTT, nâng cao sức khỏe, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, thể thao đặc sắc các dân tộc; tạo cơ hội tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc vùng Tây Bắc
|
T.Dương